Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay Việt Nam duy trì cam kết chống biến đổi khí hậu và sẵn sàng cùng EU thúc đẩy chuyển đổi xanh.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ngày 2/2 dự Diễn đàn cấp Bộ trưởng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lần thứ ba (IPMF-3) tại Brussels, Bỉ. Sự kiện có sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao từ hơn 70 quốc gia, trong đó có 27 nước thành viên EU và các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cùng lãnh đạo nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, theo thông cáo Bộ Ngoại giao.
Phát biểu chính mở đầu phiên thảo luận bàn tròn có chủ đề “Chuyển đổi xanh – Quan hệ đối tác vì tương lai bền vững”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định cam kết chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh mạnh mẽ của Việt Nam, từ COP-26 đến việc trở thành một trong ba nước đầu tiên thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng cùng Liên minh châu Âu (EU) xây dựng mô hình hợp tác điển hình về chuyển đổi xanh, hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thu hẹp khoảng cách tài chính, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
Về các quy định xanh mới, đặc biệt là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do EU khởi xướng (cơ chế đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu), Bộ trưởng lưu ý rằng những quy định, chính sách về chuyển đổi xanh của các nước phát triển cần tạo ra cơ hội cho tăng trưởng, không phải tạo nên rào cản mới cho thương mại, vốn là động lực tăng trưởng đối với nhiều nước đang phát triển.
Vì thế, Bộ trưởng đề nghị EU hỗ trợ Việt Nam và các nước đang phát triển thích ứng thông qua chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt, phối hợp xây dựng chính sách, các cơ chế mua bán cũng như định giá carbon.
Là sáng kiến của EU từ năm 2022, IPMF được tổ chức thường niên để bộ trưởng ngoại giao các nước EU và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cùng chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời đánh giá về triển vọng hợp tác giữa đôi bên. Các lĩnh vực ưu tiên hợp tác đến nay tập trung vào thịnh vượng bao trùm và bền vững, chuyển đổi xanh, quản lý đại dương, quan hệ đối tác và các vấn đề quản trị số, kết nối, an ninh quốc phòng và an ninh con người.
Tháng 12/2022 , Việt Nam và nhóm đối tác quốc tế, bao gồm Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch thông qua JETP. Đây là một trong những cơ chế tài chính cao cấp nhất được thiết kế để chuyển tiền từ các nền kinh tế giàu có sang một số nước đang phát triển, hướng tới mục đích loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Các đối tác đã cam kết cung cấp khoản hỗ trợ 15,5 tỷ USD cho Việt Nam trong 3-5 năm.
Vũ Hoàng