Việt Nam ở đâu trên Báo cáo Sẵn sàng kinh doanh 2024 của Ngân hàng Thế giới
Ngân hàng Thế giới vừa công bố Báo cáo Sẵn sàng kinh doanh 2024 (Business Ready 2024), đánh giá môi trường kinh doanh ở 50 nền kinh tế. Việt Nam là một trong số các nền kinh tế có mặt trong lần công bố đầu tiên của Báo cáo này.
Báo cáo Sẵn sàng kinh doanh (B-READY) 2024 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố là một cách tiếp cận mới để đánh giá môi trường kinh doanh, đầu tư tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Báo cáo này là một hình thức thay cho Báo cáo Môi trường Kinh doanh (Doing Business) đã dừng thực hiện từ tháng 9/2021.
Tương tự như Báo cáo Doing Business, B-READY sẽ được công bố hàng năm, hướng đến mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển khu vực tư nhân ở mỗi nền kinh tế trên thế giới.
Báo cáo năm 2024 là báo cáo đầu tiên được công bố, với sự có mặt của 50 nền kinh tế, tập trung vào ba trụ cột chính: Khung khổ pháp lý, Dịch vụ công và hiệu quả hoạt động, từ đó phân tích mười chủ đề thiết yếu liên quan đến sự phát triển của khu vực tư nhân.
Chỉ số sẵn sàng kinh doanh của Việt Nam được cải thiện
Singapore dẫn đầu bảng xếp hạng về gia nhập thị trường của doanh nghiệp với điểm số ấn tượng 93,57. Việt Nam ghi nhận điểm số 65,47, với đánh giá có nhiều cải cách đã được thực hiện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Cụ thể, B-READY tập trung vào 10 chủ đề gồm Gia nhập thị trường, Địa điểm kinh doanh, Kết nối dịch vụ điện nước, Lao động, Dịch vụ tài chính, Thương mại quốc tế, Thuế, Giải quyết tranh chấp, Cạnh tranh thị trường và Phá sản doanh nghiệp. |
Trong chỉ tiêu này, khu vực ASEAN có 5 nước tham gia xếp hạng trong đợt này. Ngoài Singapore và Việt Nam còn có Phillippines (48,49 điểm), Indonesia (63,72 điểm), Campuchia (43,80 điểm).
Theo các chuyên gia WB, Business Ready không chỉ đánh giá gánh nặng quy định mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong quá trình tham gia thị trường, đổi mới và mở rộng hoạt động, chẳng hạn như mất bao lâu để thành lập doanh nghiệp, mà còn đánh giá chất lượng của các quy định.
Cụ thể, B-READY tập trung vào 10 chủ đề gồm Gia nhập thị trường, Địa điểm kinh doanh, Kết nối dịch vụ điện nước, Lao động, Dịch vụ tài chính, Thương mại quốc tế, Thuế, Giải quyết tranh chấp, Cạnh tranh thị trường và Phá sản doanh nghiệp.
Chẳng hạn, các quy định về lao động có bao gồm các yêu cầu về an toàn lao động không? Các quy định khởi nghiệp có yêu cầu xác minh danh tính của doanh nhân không?
Ngoài việc đánh giá các quy định kinh doanh, Business Ready còn đánh giá các dịch vụ công cần thiết để thực thi chúng. Các chính phủ có giúp các doanh nghiệp dễ dàng nộp thuế bằng cách thiết lập các cơ sở trực tuyến và liên kết không? Họ có cung cấp các cơ sở dữ liệu công khai để hỗ trợ tính minh bạch và giúp các doanh nghiệp tốt dễ dàng tiếp cận tín dụng không?
Với cách đo lường điều kiện thực tế mà doanh nghiệp phải đối mặt, Báo cáo cho thấy các điều kiện này rất khác nhau giữa 50 nền kinh tế được đánh giá trong năm nay. Có nơi phải mất từ 3 ngày đến 80 ngày để một công ty trong nước đăng ký thành công và lên đến 106 ngày đối với một công ty nước ngoài. Có nơi các doanh nghiệp phải đối mặt với trung bình bốn lần mất điện mỗi tháng, và con số này có thể lên tới 22 lần. Trung bình, phải mất hơn hai năm để giải quyết tranh chấp kinh doanh tại tòa án, và thời gian có thể kéo dài tới 5 năm hoặc ít nhất là 105 ngày…
“Các nền kinh tế giàu có có xu hướng sẵn sàng kinh doanh hơn, nhưng các nền kinh tế không nhất thiết phải giàu để có một môi trường kinh doanh tốt,” ông Norman Loayza, Giám đốc Nhóm Chỉ số của Ngân hàng Thế giới, đơn vị thực hiện dự án Business Ready cho biết trong thông cáo của WB.
Theo ông Norman Loayza, phân tích của B-Ready 2024 cho thấy các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình cũng có thể đạt được một môi trường kinh doanh thuận lợi.
Ông đã nhắc tới Rwanda, Georgia, Colombia, Việt Nam và Nepal, chẳng hạn, có hiệu suất tốt trong các lĩnh vực như chất lượng quy định, sức mạnh của dịch vụ công và hiệu quả tổng thể của hệ thống.
Việt Nam được xếp vào nhóm tốt nhất về hiệu quả hoạt động
Gần như tất cả 50 nền kinh tế được đánh giá trong năm nay đều đạt điểm cao hơn khi xem xét về khuôn khổ pháp lý so với cung cấp các dịch vụ công tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuân thủ. Khoảng cách về thực thi chính sách này khiến các doanh nghiệp, người lao động và toàn xã hội không thể tận dụng đầy đủ lợi ích của một môi trường kinh doanh lành mạnh.
Trên thang điểm từ 0 đến 100, các nền kinh tế đạt điểm trung bình 65,5 về chất lượng khuôn khổ pháp lý, nghĩa là, trung bình, các nền kinh tế đã đi được gần hai phần ba chặng đường để tạo ra môi trường thuận lợi cho kinh doanh. Nhưng các nền kinh tế chỉ đạt điểm 49,7 cho dịch vụ công, cho thấy họ chỉ sẵn sàng một nửa so với mức cần thiết. Khoảng cách này tồn tại ở mọi mức thu nhập và mọi khu vực, mặc dù ở các nền kinh tế có thu nhập cao thì khoảng cách này thấp, và khoảng cách lớn nhất là ở châu Phi cận Sahara, Trung Đông và Bắc Phi.
Việt Nam ghi nhận 66,81 điểm ở trụ cột I là khung khổ pháp lý (so với mức điểm cao nhất là 78,23 của Hungary); 53,41 điểm ở trụ cột II là dịch vụ công (so với mức điểm cao nhất là 73,31 của Estonia) và 72,78 ở trụ cột III hiệu quả hoạt động (so với mức điểm cao nhất là 87,33 của Singapore).
Với kết quả này, Việt Nam được xếp vào nhóm tốt nhất về hiệu quả hoạt động, đứng ở vị trí thứ 10. Hai trụ cột còn lại, Việt Nam nằm ở nhóm tốt thứ hai.
B- Ready 24 chia 50 nền kinh tế được xếp hạng thành 5 nhóm dựa theo điểm số của các trụ cột.
Theo kế hoạch, trong lần công bố tiếp theo, B – Ready sẽ có 100 nền kinh tế và sẽ có 180 nước vào năm 2026.
Nguồn: https://baodautu.vn/viet-nam-o-dau-tren-bao-cao-san-sang-kinh-doanh-2024-cua-ngan-hang-the-gioi-d226621.html