Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) là công ước quốc tế được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 18/2/1979. Được mô tả như một dự luật về quyền của phụ nữ, công ước có hiệu lực từ ngày 3/9/1981 và đến nay đã được 189 quốc gia phê chuẩn.
Tinh thần của Công ước được xây dựng trên cơ sở các mục tiêu của Liên hợp quốc nhằm bảo đảm nhân cách, phẩm giá và các quyền cơ bản của con người cũng như quyền bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới.
Việt Nam nỗ lực thực hiện hiệu quả Công ước CEDAW
Việt Nam là quốc gia thứ 6 trên thế giới tham gia Công ước CEDAW và phê chuẩn vào ngày 27/11/1981. Từ đó đến nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng kể để thực hiện cam kết của mình trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời đảm bảo việc báo cáo định kỳ tình hình thực hiện Công ước đối với Liên hợp quốc.
Năm 2001, Việt Nam bảo vệ thành công các báo cáo quốc gia lần thứ 2, 3 và 4 và được Uỷ ban CEDAW đánh giá là tiến hành nội luật hoá CEDAW khá thành công vì mục tiêu nâng cao quyền của phụ nữ trên thực tế.
Những nỗ lực phân bổ nguồn lực nhằm đạt sự tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ cho việc thực hiện Công ước ở Việt Nam đã được Uỷ ban hoan nghênh.
Đến tháng 6/2005, Báo cáo quốc gia lần thứ 5 và 6 về tình hình thực hiện Công ước CEDAW đã được đệ trình lên Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Tại kỳ họp thứ 61 của Ủy ban CEDAW hồi tháng 7/2015, Ủy ban đánh giá cao việc chuẩn bị có trách nhiệm và cởi mở, không né tránh các vấn đề đặt ra trong phiên đối thoại của phái đoàn Việt Nam. Ủy ban CEDAW cũng đã thông qua Báo cáo quốc gia định kỳ ghép lần thứ 7 và 8 về tình hình thực hiện Công ước CEDAW tại Việt Nam.
Cũng tại kỳ họp này, cựu Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, trưởng Phái đoàn Chính phủ Việt Nam tham dự kỳ họp khi đó, đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức và hạn chế trong việc triển khai thực hiện các nội dung của công ước.
Đầu tiên là nhận thức, thái độ và hành vi của xã hội nói chung, của một số nhóm đối tượng nói riêng, kể cả cấp lãnh đạo, về bình đẳng giới còn hạn chế do ảnh hưởng dai dẳng của định kiến giới xuất phát từ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của xã hội phong kiến và Nho giáo vẫn tồn tại khá phổ biến không chỉ trong phạm vi gia đình mà trong cả các lĩnh vực của đời sống dân sự, kinh tế, chính trị và xã hội.
Bên cạnh đó, khoảng cách giới vẫn tồn tại ở các lĩnh vực chủ chốt như chính trị, kinh tế – lao động; giáo dục – đào tạo và y tế, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới diễn ra hết sức phức tạp, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả tình hình an ninh, an toàn và sự phát triển của xã hội, đất nước.
Ngoài ra, việc thực hiện các nội dung của Công ước đòi hỏi sự đầu tư nguồn lực lớn, bao gồm cả nguồn lực về con người, tổ chức bộ máy và ngân sách trong khi Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về chi tiêu của ngân sách nhà nước và trình độ phát triển kinh tế còn chưa cao…
Quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam về cơ bản đã phù hợp với quy định trong công ước của Liên hợp quốc, tuy nhiên thực tế triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.
Tại Hội thảo tham vấn “Dự thảo báo cáo đảm bảo quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ tại Việt Nam” nhằm hoàn thiện báo cáo CEDAW lần thứ 9 diễn ra vào tháng 9/2019, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH một lần nữa lưu ý rằng việc triển khai thực hiện các quy định này còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, trong đó đáng chú ý là những khó khăn về nguồn lực, năng lực thực thi của hệ thống bao gồm các hệ thống hành chính, hệ thống tư pháp và các cơ chế, thiết chế bổ trợ tư pháp định kiến về vấn đề giới trong xã hội.
Đóng góp cho dự thảo của báo cáo, bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc quốc gia của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), cho rằng, Việt Nam cần phải có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là trong giám sát thực thi các quy định đã luật hóa.
“Việt Nam cần đảm bảo đủ bình đẳng giới trong luật pháp, phải có quy định rõ ràng và hình sự hóa các hành vi phạm tội như hiếp dâm, bạo hành hôn nhân. Bên cạnh đó, cần có nhiều hành động thiết thực để chống lại những bất bình đẳng, những hủ tục, định kiến trong xã hội đối với phụ nữ. Ngoài ra, hệ thống trợ giúp pháp lý cần phải chú ý đến vấn đề tăng quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, vấn đề thực hiện quyền của người phụ nữ cần phải được đề cao”, bà Catherine Phương khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Nicholas Booth, Cố vấn Chương trình Tiếp cận công lý và Quyền con người (Văn phòng UNDP khu vực châu Á – Thái Bình Dương), cho rằng, Việt Nam cần phải chú ý nhiều hơn đến quyền tiếp cận tư pháp cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là nhóm phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, nhóm yếu thế. “Ở Campuchia, tỷ lệ phụ nữ tàn tật bị hiếp dâm gấp 3 lần so với những phụ nữ bình thường, đây là con số rất đáng để Việt Nam tham khảo và lưu tâm”.
Sau nhiều lần chỉnh sửa và bổ sung, Việt Nam đã hoàn thiện và nộp Báo cáo lần thứ 9 thực hiện Công ước CEDAW vào năm 2022.
Hoa Vũ