Nhằm đảm bảo quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam, Việt Nam luôn quán triệt, đẩy mạnh công tác quản lý, thi hành tại các cơ sở giam giữ, đặc biệt tại địa bàn thành phố Hà Nội.
Các phạm nhân của Trại tạm giam số 1 Công an thành phố Hà Nội được bồi dưỡng kiến thức về nghề điện tử, điện lạnh để giúp họ chuẩn bị cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Chủ trương xuyên suốt
Ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành 4 Bộ luật và Luật, trong đó có Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo cho công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và đảm bảo quyền, chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam.
Sau khi Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực (ngày 1/1/2018), Chính phủ và Bộ Công an đã ban hành 3 Nghị định, 14 Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Có thể thấy, chính sách, chủ trương và chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ của Đảng và Chính phủ là tiền đề để các đơn vị của Bộ Công an, đặc biệt là Công an thành phố (CATP) Hà Nội, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật về đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, tạm giam.
Do đó, CATP Hà Nội đã tích cực triển khai các hình thức tuyên truyền về quyền của người bị tạm giữ, tạm giam đến toàn thể cán bộ chiến sĩ quản lý và bản thân người bị tạm giữ, tạm giam, như: tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ quản lý; phổ biến quyền, nghĩa vụ, nội quy cơ sở giam giữ của người bị tạm giữ, tạm giam ngay từ khi mới tiếp nhận.
Ngoài ra, trong những năm qua, CATP Hà Nội đã tăng cường đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại cơ quan điều tra và cơ sở giam giữ. Đặc biệt, các trại tạm giữ, tạm giam đã tích cực ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong điều tra, quản lý; hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ việc ghi âm, ghi hình có âm thanh; giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến tra tấn, bức cung, nhục hình nhằm đảm bảo chế độ, chính sách đối với người bị tạm giữ, tạm giam và kịp thời xử lý sai phạm.
Thực hiện đồng bộ
Theo số liệu chính thức, CATP Hà Nội đang tổ chức quản lý 2 trại tạm giam và 30 nhà tạm giữ Công an cấp huyện với 1.028 buồng giam giữ, quy mô giam giữ thực tế 7.919 chỗ. Từ 1/1/2018 đến nay, các cơ sở giam giữ thuộc CATP đã tổ chức tiếp nhận 128.885 lượt người bị tạm giữ, tạm giam, tiến hành bố trí giam giữ và quản lý theo đúng quy định pháp luật.
Thượng tá Phạm Chiến Thắng, Phó giám thị Trại tạm giam số 1 CATP Hà Nội khẳng định đơn vị luôn quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Về chế độ ăn, ở, mặc và tư trang của người bị tạm giữ, tạm giam, Thượng tá Phạm Chiến Thắng, Phó giám thị Trại giam số 1 CATP Hà Nội cho biết, đơn vị luôn đảm bảo chế độ khẩu phần đầy đủ dành cho người bị tạm giữ, tạm giam. Các tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau, thịt, cá, đường, muối, nước chấm, bột ngọt, chất đốt, điện, nước đều được niêm yết công khai ở cửa buồng giam.
Các cơ sở giam giữ đều được trang bị các dụng cụ cần thiết cho việc bảo quản lương thực, thực phẩm, nấu ăn, nước uống và chia đồ ăn theo khẩu phần tiêu chuẩn. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Phạm nhân N.T.H, hiện cải tạo tại phân trại số 1 CATP Hà Nội, cho hay, trong các dịp lễ, tết (Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 30/4, 1/5 và Quốc khánh 2/9), ban giám thị đều tăng khẩu phần ăn của can phạm gấp 5 lần ngày thường. Các loại lương thực, thực phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn, do đó đến nay không xảy ra ngộ độc thực phẩm trong cơ sở giam giữ.
Về quyền nhận quà, gửi, nhận thư, sách báo, tài liệu, chế độ sinh hoạt tinh thần đối với người bị tạm giữ, tạm giam, Thượng tá Phạm Chiến Thắng nhấn mạnh, các cơ sở giam giữ đều được trang bị hệ thống loa truyền thanh để phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như để người bị tạm giữ, tạm giam được nghe thông tin, thời sự trong nước và quốc tế. Ngoài ra, hằng ngày, người bị tạm giữ, tạm giam được cấp 1 tờ báo địa phương hoặc trung ương để tiếp cận, nắm thông tin.
Thượng tá Nguyễn Xuân Nam, Phó giám thị Trại tạm giam số 2 CATP Hà Nội cho biết, các cơ sở giam giữ thuộc CATP đã tổ chức, thực hiện cho 72.448 lượt người bị tạm giữ, tạm giam thăm thân nhân; 6.578 lượt người bị tạm giữ, tạm giam gặp người bào chữa, luật sư. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Về quyền được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, tạm giam, Thượng tá Nguyễn Xuân Nam, Phó giám thị Trại tạm giam số 2 CATP Hà Nội nhấn mạnh, người bị tạm giữ, tạm giam được tổ chức gặp thân nhân theo đúng thời gian và số lần quy định.
Người bào chữa được tổ chức cho gặp người bị tạm giữ, tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám, chữa bệnh.
Về chế độ chăm sóc y tế với người bị tạm giữ, tạm giam, CATP đảm bảo người bị tạm giữ, tạm giam đều được khám sức khỏe trước khi đưa vào buồng giam giữ. Đối với trường hợp bị bệnh thì được cán bộ y tế khám và điều trị tại phòng y tế hoặc bệnh xá của cơ sở giam giữ. Nếu bệnh vượt quá khả năng điều trị của cơ sở giam giữ thì người bị tạm giữ, tạm giam được đưa đến bệnh viện Nhà nước để chữa bệnh.
Các cơ sở giam giữ thuộc CATP đã tổ chức khám và cấp thuốc, điều trị cho 358.352 lượt người bị tạm giữ, tạm giam; trích xuất 9.664 lượt người bị tạm giữ, tạm giam ra bệnh viện ngoài khám và điều trị. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Trung tá Nguyễn Hồng hải, cán bộ y tế Trại tạm giam số 1 CATP Hà Nội cho hay, hiện nay, CATP đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Hà Đông xây dựng và đưa vào sử dụng một khu khám, điều trị bệnh dành riêng cho can phạm, phạm nhân.
Đặc biệt, CATP Hà Nội đã đề ra nhiều biện pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 xảy ra tại các cơ sở giam giữ bằng việc thành lập khu cách ly, theo dõi, điều trị người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 tại Trại tạm giam số 2 CATP Hà Nội.
Trung tá Nguyễn Thanh Hải, Bệnh xá trưởng của Trại tạm giam số 2 CATP Hà Nội nhấn mạnh, đến nay, tổng số can phạm nhân nhiễm Covid-19 tại các cơ sở giam giữ thuộc CATP là 2.711 người, đều đã được điều trị khỏi, trong đó điều trị tại khu cách ly Trại tạm giam số 2 là 2.588 người; điều trị tại các Nhà tạm giữ là 123 người.
Nỗ lực phát huy
Để tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, CATP Hà Nội đề ra nhiệm vụ công tác trong thời gian tới với 5 trọng tâm chính.
Một là, tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả quy định của pháp luật, hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Công an về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật các cán bộ chiến sĩ các cơ sở giam giữ và cơ quan điều tra các cấp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không để xảy ra sai sót, tiêu cực trong công tác quản lý giam giữ và hoạt động tố tụng, gây ảnh hưởng đến quyền của người bị tạm giữ, tạm giam.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người bị tạm giữ, tạm giam nắm vững quyền, nghĩa vụ của mình; tổ chức tập huấn nghiệp vụ đối với cán bộ chiến sĩ các cơ sở giam giữ và cơ quan điều tra các cấp; đảm bảo tuyệt đối an toàn các cơ sở giam giữ và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định pháp luật.
Ba là, tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại cơ quan điều tra và các cơ sở giam giữ để đảm bảo chế độ, chính sách đối với người bị tạm giữ, tạm giam.
Bốn là, thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý giam giữ và trong hoạt động điều tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi xâm phạm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam.
Năm là, nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa các cơ sở giam giữ với các cơ quan, đơn vị có liên quan (Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan Thi hành án dân sự, Ban pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố…); đẩy mạnh hợp tác quốc tế, để đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện đúng theo quy định pháp luật hiện hành và các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.