Ngày 26/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ký một thỏa thuận với Quỹ Tài chính cho Giáo dục quốc tế (IFFEd), theo đó sẽ mang lại ít nhất 500 triệu USD nguồn vốn tài trợ giáo dục ưu đãi mới cho các quốc gia thu nhập trung bình thấp (LMIC) tại châu Á và Thái Bình Dương.
Việt Nam cùng các quốc gia thành viên đang phát triển khác của ADB hiện đủ điều kiện nhận tài trợ của Quỹ IFFEd (Thụy Sĩ), bao gồm Bangladesh, Ấn Độ, Mông Cổ, Pakistan, Papua New Guinea, Philippines, Sri Lanka, Timor-Leste và Uzbekistan.
Trong khuôn khổ quan hệ đối tác tài trợ trên, IFFEd sẽ bảo lãnh 125 triệu USD cho rủi ro khoản vay theo kênh tài trợ chính phủ của ADB trên tất cả các lĩnh vực (danh mục đầu tư tổng hợp), đồng thời cung cấp một khoản viện trợ ban đầu trị giá 50 triệu USD.
Các dự án giáo dục do IFFEd tài trợ có thể hỗ trợ các chương trình của ADB ở mọi cấp của hệ thống giáo dục, từ giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tới giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng và giáo dục đại học.
Bằng cách kết hợp bảo lãnh của IFFEd cho ADB với các khoản viện trợ bằng 10% của mỗi khoản vay, thỏa thuận đầu tiên theo hình thức này tạo điều kiện cho tỷ lệ đòn bẩy cao gấp 4 lần khoản bảo lãnh, gia tăng số vốn mà ADB có thể cho vay trong khi giảm bớt chi phí vay cho các quốc gia thành viên đang phát triển của ngân hàng.
Bà Fatima Yasmin, Phó Chủ tịch ADB phụ trách các lĩnh vực và chủ đề chia sẻ, thông qua việc tập hợp nguồn tài chính xúc tác và ưu đãi, sáng kiến này giúp các quốc gia thành viên đang phát triển thu nhập trung bình thấp của ADB có thể mở rộng quy mô đầu tư cho giáo dục và kỹ năng – những yếu tố then chốt để xây dựng nền kinh tế tri thức, đồng thời với các lĩnh vực khác.
Được thành lập năm 2023 để đầu tư vào giáo dục và kỹ năng tại các quốc gia thu nhập trung bình thấp, IFFEd nhận tài trợ từ các chính phủ bao gồm Canada, Thụy Điển và Vương quốc Anh, đồng thời được cung cấp vốn từ các Quỹ Atlassian, Quỹ Jacobs, Quỹ Porticus, Quỹ Rockefeller và Quỹ Phát triển kinh tế Soros.
Ông Karthik Krishnan, Tổng Giám đốc điều hành sáng lập IFFEd chia sẻ, đầu tư cho giáo dục và kỹ năng ở các quốc gia thu nhập trung bình thấp – nơi sinh sống của gần một nửa trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới, là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn và đạt được tiến bộ trong các mục tiêu về sức khỏe, khí hậu và công bằng toàn cầu.
Với việc mang lại nguồn viện trợ hoặc nguồn tài chính ưu đãi cho các quốc gia đang phát triển mong muốn củng cố hệ thống giáo dục của mình trong một thời đại đang thay đổi nhanh chóng, quan hệ đối tác ADB-IFFEd được kỳ vọng sẽ giúp các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB chuẩn bị cho một tương lai được đặc trưng bởi chuyển đổi số, biến đổi khí hậu, chuyển dịch nhân khẩu học và đô thị hóa nhanh chóng.
Nguồn: https://nhandan.vn/viet-nam-duoc-tiep-can-von-tai-tro-giao-duc-uu-dai-tri-gia-500-trieu-usd-tu-quy-iffed-post833487.html