Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã giao Tập đoàn Dầu khí quốc gia (Petrovietnam) nghiên cứu xây dựng đường dây tải điện trên biển và đẩy mạnh điện gió ngoài khơi.
Thông tin được Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khi tiếp ông Robert Helms, Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch) và ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy (Anh), ngày 3/12 nhân dịp dự COP28 tại Dubai (UAE).
Lãnh đạo Chính phủ cám ơn hai tập đoàn đã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực điện gió Việt Nam, góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 năm 2050. Sau khi tuyên bố cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 năm 2021 đến nay, Việt Nam đã thực hiện 12 nhóm giải pháp, trong đó có chủ trương phát triển mạnh ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Thủ tướng cho biết đã giao Petrovietnam nghiên cứu xây dựng đường dây tải điện trên biển, “đây là việc rất mới ở Việt Nam”. Phía Việt Nam cũng ký kết bán điện tái tạo cho Singapore nên sẽ xây dựng đường dây tải điện đến nước này.
Việt Nam sẽ khảo sát trữ lượng điện gió ngoài khơi và hệ thống tải điện phù hợp. Các dự án đang nghiên cứu này phù hợp với Quy hoạch điện 8. “Vấn đề quan trọng là giá và hệ thống tải điện”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng chia sẻ, các nước phát triển có giá điện khác nước đang phát triển. Vì vậy, giá điện phải hài hòa cả hai phía.
Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn với 600 GW nên Thủ tướng mong các tập đoàn có dự án cụ thể, sớm đưa vào vận hành. “Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, có nhiều điều kiện hiện thực hóa chủ trương phát triển ngành điện tái tạo”, Thủ tướng nói.
Đồng thời, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng thể chế phát triển ngành công nghiệp tái tạo, ưu tiên thu hút nhà đầu tư bằng chính sách thuế, giá, đất… Các nhà đầu tư vướng khâu nào sẽ được cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp tháo gỡ, xử lý. Tinh thần là làm nhanh gọn một vài dự án để rút kinh nghiệm mở rộng.
Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết trữ lượng gió và các tiềm năng về gió ngoài khơi Việt Nam sẽ giúp các dự án đầu tư khả thi.
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết đang khảo sát trữ lượng gió ngoài khơi toàn thềm lục địa Việt Nam, xây dựng cơ sở dữ liệu để Chính phủ kêu gọi đầu tư, có chính sách phù hợp. Tập đoàn đang hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới xây dựng danh mục dự án điện gió ngoài khơi để báo cáo Chính phủ. Nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo cũng được xúc tiến đào tạo. Việt Nam phấn đấu làm chủ công nghệ xây dựng dự án điện gió ngoài khơi.
Tại cuộc gặp, ông Robert Helms, Thành viên HĐQT Tập đoàn CIP – tập đoàn năng lượng xanh lớn trên thế giới với quy mô 25 tỉ USD, đã có nhiều dự án điện gió ngoài khơi tại Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc – cho biết có kế hoạch đầu tư hơn 110 tỉ USD trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đến năm 2030.
Tại Việt Nam, CIP đã có hợp đồng 200 triệu USD và dự kiến ký thêm hợp đồng 350 triệu USD. CIP đang nghiên cứu phát triển điện gió ngoài khơi La Gàn tổng công suất 3,5 GW tại tỉnh Bình Thuận với tổng vốn đầu tư dự kiến 10,5 tỉ USD. Các thủ tục đang hoàn tất để triển khai dự án.
Còn theo ông Ian Hatton – Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy (EE), tập đoàn đa ngành của Anh – cho biết hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp này là lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên biển, phát triển năng lượng gồm dầu khí, điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ, nhiệt điện.
Tại Việt Nam, EE đã hợp tác với Societe Generale (Pháp), Vestas (Đan Mạch), ODE (Anh) để phát triển Tổ hợp Thăng Long Wind tại tỉnh Bình Thuận. Dự án gồm 2 cấu phần là Thăng Long Wind (TLW) để kết nối lưới điện quốc gia, công suất 3.400 MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỉ USD và Thăng Long Wind 2 (TLW2) để sản xuất và xuất khẩu năng lượng hydrogen từ điện phân nước, tổng công suất 2.000 MW, tổng mức đầu tư 5 tỉ USD.
EE dự kiến đưa vào khai thác thương mại cho dự án Thăng Long Win và Thăng Long Win 2 vào năm 2029, “đây sẽ là trọng tâm hoạt động của tập đoàn”. Ông Ian Hatton sẽ tiếp tục trao đổi với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về cơ chế giá điện.