Việt Nam đề xuất Trung Quốc và các nước Mekong tăng cường hợp tác phát triển xanh, mở rộng phạm vi chia sẻ dữ liệu thủy văn và vận hành đập trong hội nghị được tổ chức tại Trung Quốc.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 7-12, Hội nghị bộ trưởng ngoại giao hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) lần thứ 8 đã diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc với sự tham dự của các ngoại trưởng và đại diện các nước thành viên MLC gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Nhận lời mời của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.
Ưu tiên hợp tác đổi mới sáng tạo
Tại hội nghị, các bộ trưởng đánh giá cao những kết quả quan trọng mà hợp tác MLC đã đạt được trong thời gian qua, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân sáu nước.
Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh MLC là cơ chế xuất phát từ người dân và vì người dân và đề xuất hợp tác MLC hỗ trợ chiến lược phát triển của các nước thành viên.
Các bộ trưởng hoan nghênh việc triển khai các dự án, chương trình trong các lĩnh vực ưu tiên về kết nối, năng lực sản xuất, kinh tế qua biên giới, quản lý nguồn nước, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.
Hợp tác quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong – Lan Thương cũng có bước tiến triển. Trong đó có việc triển khai thỏa thuận giữa sáu nước về chia sẻ dữ liệu thủy văn cả năm và các nghiên cứu chung về dự báo lũ lụt, phòng chống thiên tai.
Quỹ đặc biệt Mekong – Lan Thương đã hỗ trợ các nước thành viên thực hiện hơn 700 dự án vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực như thương mại, nông nghiệp, du lịch, quản lý nguồn nước, môi trường, y tế, xóa đói giảm nghèo, trao quyền cho phụ nữ.
Các bộ trưởng nhất trí nghiên cứu khả năng thành lập Hành lang đổi mới sáng tạo Mekong – Lan Thương lấy người dân làm trung tâm, phát triển vành đai kinh tế Mekong – Lan Thương.
Bốn đề xuất của Việt Nam
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất bốn nhóm ưu tiên hợp tác MLC thời gian tới.
Thứ nhất, phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, từng bước chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua đối thoại chính sách về kinh tế số và an ninh mạng, hợp tác phát triển nguồn nhân lực số, thành phố thông minh, số hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ (MSMEs) và khuyến khích xây dựng hạ tầng số, ứng dụng công nghệ thế hệ mới trong ngành công nghiệp sản xuất.
Thứ ba, bảo vệ môi trường và chuyển đổi tăng trưởng xanh thông qua tăng cường hợp tác phát triển nền kinh tế xanh tuần hoàn sinh học, năng lượng sạch và tái tạo, phát triển nông nghiệp thông minh.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Kế hoạch hành động hợp tác tài nguyên nước MLC giai đoạn 2023 – 2027, mở rộng phạm vi chia sẻ dữ liệu khí tượng, thủy văn và vận hành đập, tăng cường phối hợp giữa MLC và Ủy hội sông Mekong.
Thứ tư, thúc đẩy hợp tác thương mại, xây dựng chuỗi cung ứng thông minh, hỗ trợ kết nối MSMEs với các doanh nghiệp đa quốc gia, cải cách môi trường đầu tư.
Phát biểu của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã được các nước thành viên tham dự hoan nghênh và đánh giá cao.
Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị về nguồn nước Mekong năm 2024
Cũng tại hội nghị, các nước khẳng định ủng hộ Việt Nam tổ chức hội nghị bộ trưởng hợp tác nguồn nước MLC lần thứ hai trong năm 2024. Hội nghị cũng nhất trí đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục và du lịch.
Tuoitre.vn