Thành công của một doanh nghiệp có thể chịu sự ảnh hưởng của nơi doanh nghiệp đó quyết định đặt trụ sở, cùng với thuế, năng lực của lực lượng lao động và các yếu tố khác tại địa phương.
Được thực hiện hàng năm, US News đã lập ra bảng xếp hạng các Quốc gia Tốt nhất để Khởi nghiệp năm 2023. Các xếp hạng hạng được rút ra từ một cuộc khảo sát toàn cầu với hơn 17.000 người, trong đó có khoảng 4.600 người ở những vị trí “ra quyết định kinh doanh” – tức là các nhà lãnh đạo cấp cao trong một tổ chức hoặc doanh nghiệp. Các tiêu chí được đánh giá để làm nên quốc gia tốt nhất để khởi nghiệp là giá cả phải chăng, bộ máy hành chính ít quan liêu, chi phí sản xuất rẻ, có sự kết nối tốt với phần còn lại của thế giới và khả năng tiếp cận các nguồn vốn dễ dàng.
Việt Nam đứng thứ 7
Việt Nam đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất để khởi nghiệp năm 2023, giữ vững vị trí so với năm 2022, với các con số được ghi nhận bao gồm GDP 409 tỷ USD, dân số 98,2 triệu người.
Trong những năm gần đây, Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung đã nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp mới nhất của thế giới, chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ về số lượng doanh nghiệp “kỳ lân”. Theo báo cáo của nhà nghiên cứu Minh Ngoc Nguyen được đăng tải trên Statista, lĩnh vực khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và đây khả năng là quốc gia khởi nghiệp tiếp theo cần chú ý. Sự tăng trưởng của lĩnh vực được thể hiện qua số lượng nhà đầu tư ngày càng tăng và giá trị đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam.
Theo số liệu trên trang này, cần 8 thủ tục khởi nghiệp để đăng ký kinh doanh tại Việt Nam; giá trị đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ ở Việt Nam đã lên tới 1,4 tỷ USD, trong đó nổi bật là mảng fintech (công nghệ tài chính) với 14 công ty mới trong giai đoạn này.
Đi kèm bảng xếp hạng Các quốc gia tốt nhất để khởi nghiệp năm 2023, Việt Nam cũng nằm trong top 40 bảng xếp hạng tổng thể Các quốc gia tốt nhất năm 2023, được đánh giá cao trong nhiều bảng xếp hạng nổi bật khác của dự án này như các quốc gia tốt nhất để nghỉ hưu, phù hợp với gia đình, có tầm nhìn xa về đổi mới sáng tạo,…
Các quốc gia khác
3/5 vị trí đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất để khởi nghiệp 2023 cũng thuộc về các quốc gia châu Á, bao gồm Ấn Độ (hạng 1), Thái Lan (hạng 2), Trung Quốc (hạng 3), Mexico (hạng 4) và Mỹ (hạng 5). Các nước châu Á khác xếp hạng gần với Việt Nam bao gồm Philippines (hạng 6), Malaysia (hạng 9), Singapore (hạng 11) và Indonesia (hạng 13), Campuchia (hạng 20).
Ấn Độ, đứng hạng 1, được cho là quốc gia có nền kinh tế đa dạng, phát triển nhanh với lực lượng lao động lớn và có tay nghề cao. Nhưng vì dân số đông nên đây cũng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới xét về thu nhập và tổng sản phẩm quốc dân bình quân đầu người. Mặc dù nông nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất nhưng dịch vụ lại là nguồn tăng trưởng kinh tế chính. Nhờ lực lượng lao động có trình độ học vấn, nói tiếng Anh, Ấn Độ đã trở thành một trung tâm quan trọng về dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ gia công phần mềm kinh doanh và công nhân phần mềm.
Với Thái Lan, ngành nông nghiệp quan trọng và ngành sản xuất có tính cạnh tranh được cho là đã giúp nước này vững mạnh và tăng trưởng với tỷ lệ nghèo và thất nghiệp thấp. Đây là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và dẫn đầu về dệt may, thiếc và điện tử. Bên cạnh đó, Thái Lan là một trong những quốc gia được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới, mặc dù du lịch chỉ chiếm 7% tổng sản phẩm quốc nội.
Cuối cùng là Trung Quốc, được nhận định là một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với nền kinh tế hiện lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Mặc dù sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đặt ra một số thách thức bao gồm cân bằng giữa tăng trưởng dân số với tài nguyên thiên nhiên, khoảng cách thu nhập và ô nhiễm, nhưng tăng trưởng kinh tế bền vững đã giúp hàng trăm triệu người cải thiện đời sống kinh tế.
Phương Anh