Việt Nam mua điện từ 26 nhà máy thủy điện Lào
Ngày 7/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào.
Đáng chú ý, hợp tác mua bán điện tiếp tục được đẩy mạnh, việc Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký kết 19 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện đầu tư tại Lào với tổng công suất 2.689 MW. (Xem thêm)
Thống đốc: Lãi suất năm 2024 tiếp tục giảm
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024 diễn ra sáng 8/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, kết thúc năm 2023, về cơ bản, ngành ngân hàng đã đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15% với mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm. Việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém cũng sẽ được quyết liệt thực hiện trong năm nay. (Xem thêm)
EVN báo giá mua điện mặt trời mái nhà mới
EVN vừa có thông báo gửi các tổng công ty điện lực, Công ty Viễn Thông Điện lực và Công nghệ Thông tin về giá mua điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà năm 2024. Theo Dân Trí, giá mua điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà trong năm 2024 được EVN đưa ra từ 1.999 đồng/kWh đến 2.231 đồng/kWh.
Hàng năm, căn cứ vào tỷ giá trung tâm của VND so với USD do NHNN công bố vào ngày công bố tỷ giá cuối cùng của năm trước, Bộ Công Thương sẽ ban hành giá mua bán điện mặt trời đối với dự án trên mái nhà cho năm tiếp theo. Chi phí mua điện từ các dự án điện mặt trời sẽ được tính toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào của phương án giá bán điện hàng năm của EVN.
Đề xuất áp thuế giá trị gia tăng 5% với mặt hàng phân bón
Tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% cho mặt hàng phân bón. Theo Bộ Tài chính, hiện nay mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Các doanh nghiệp và Hiệp hội Phân bón cùng Bộ Công Thương đã kiến nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5%.
Bộ Công Thương thu hồi giấy phép đầu mối xăng dầu của ‘ông lớn’ Hải Hà
Ngày 12/1, Bộ Công Thương ban hành quyết định số về việc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đối với Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Cùng ngày, Bộ Công Thương có văn bản gửi Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam – Công ty cổ phần, Công ty TNHH MTV – Tổng công ty xăng dầu Quân đội bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên địa bàn Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh.
Cơ quan thanh tra đã chuyển hồ sơ đến Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá tại Hải Hà Petro. (Xem thêm)
Đường dây ‘cứu điện’ miền Bắc: Thủ tướng chỉ đạo, địa phương vẫn chậm
Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng có văn bản gửi Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh liên quan; EVN; Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) về xử lý khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối.
Nhiều địa phương vẫn chưa thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với rừng trồng theo quy định, làm căn cứ triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. (Xem thêm)
Bắt đầu phá sản Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 220/NQ-CP trong đó có nhiệm vụ thực hiện quy trình phá sản Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ (SBIC, tiền thân là Vinashin), Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành các bước để thực hiện quy trình phá sản này.
Theo Tiền Phong, sau phá sản, nguồn tiền thu được từ thanh lý công ty, tài sản sẽ dùng theo quy định pháp luật về phá sản như dùng trả nợ, trả lương và bảo hiểm xã hội cho người lao động vẫn còn tồn từ thời Vinashin để lại.
TP.HCM thưởng Tết cao nhất hơn 2 tỷ đồng
Chiều 11/1, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế – xã hội định kỳ, ông Phùng Thái Quang, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, qua nắm bắt hơn 2.000 doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động TP.HCM đã có những thống kê về kế hoạch lương, thưởng Tết.
Với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mức thưởng cao nhất 2,078 tỷ đồng, thấp nhất 400.000 đồng, mức thưởng bình quân 6,5-12 triệu đồng. Với khối doanh nghiệp vốn trong nước, mức thưởng cao nhất 250 triệu đồng, thấp nhất 500.000 đồng, trung bình 7,2-10 triệu đồng.