Trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, Việt Nam xếp thứ 6 với tăng trưởng GDP bình quân đầu người trong năm 2024 dự kiến ở mức 7,41%.
Trong bài viết đăng tải trên trang finance.yahoo.com (Mỹ) ngày 4/4, trong năm 2024, tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á sẽ cải thiện và dự báo đạt 4,5%, cao hơn so với mức dự đoán trước đó là 4,2%.
Trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, Việt Nam xếp thứ 6.
Căn cứ để xác định 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á trong năm 2024 gồm các yếu tố: tốc độ tăng trưởng GDP thực tế và tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người.
Cả hai chỉ số này đều được quốc tế công nhận để đo lường sức khỏe và sự tiến bộ của một nền kinh tế.
Việt Nam xếp thứ 6 về tốc độ tăng trưởng ở châu Á. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam trong năm 2024 dự kiến ở mức 5,8%. Tăng trưởng GDP bình quân đầu người trong năm 2024 dự kiến ở mức 7,41%.
Xếp trước Việt Nam là các nền kinh tế: Đặc khu hành chính Macao (Trung Quốc) ở vị trí số 1; Ấn Độ thứ 2; Campuchia thứ 3; Bangladesh thứ 4; Philippines thứ 5. Xếp sau Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á có Indonesia (10); Malaysia (14); Lào (18); Thái Lan (20)… Trung Quốc ở vị trí 17.
Cũng theo bài viết, các nền kinh tế châu Á được dự báo sẽ đóng góp hơn 60% cho tăng trưởng toàn cầu.
Nền kinh tế Ấn Độ ghi nhận nhu cầu trong nước mạnh và Trung Quốc chi nhiều hơn cho các dự án tái thiết và phục hồi sau thảm họa. Đây được cho là những nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Hơn nữa, các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khác gồm tác động lan tỏa tích cực từ năm 2023, môi trường bên ngoài thuận lợi, tăng trưởng kinh tế ở Mỹ thúc đẩy nhu cầu về công nghệ và các chính sách kinh tế của các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Thái Lan.
Tuy nhiên, bài viết nhận định khả năng phục hồi kinh tế của khu vực còn phụ thuộc vào việc quản lý rủi ro.
Các nền kinh tế châu Á phải đối mặt với một số thách thức như cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc, những biến động tài chính của một số nền kinh tế có tỷ lệ nợ cao, chuỗi cung ứng dài và kém hiệu quả cũng như mối đe dọa về chi phí vận chuyển tăng cao.
Về mặt tích cực, các chính sách tài chính và tiền tệ hiệu quả để quản lý những mối đe dọa này có thể thúc đẩy nền kinh tế hơn nữa./.