Chiều 22-8, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về phiên tòa liên quan đến vụ bà Trần Tố Nga kiện các công ty sản xuất chất độc da cam/dioxin của Mỹ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Việt Nam lấy làm tiếc về phán quyết của tòa phúc thẩm Paris về vụ việc và chúng tôi đã nhiều lần nêu quan điểm về việc này. Mặc dù chiến tranh đã qua đi nhưng những hậu quả nặng nề vẫn còn tác động sâu sắc đến đất nước và người dân Việt Nam, trong đó có những hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của chất độc da cam/dioxin.
Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, yêu cầu các công ty hóa chất sản xuất và cung cấp chất độc da cam/dioxin cho Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam khiến hàng triệu người Việt Nam là nạn nhân có trách nhiệm khắc phục hậu quả đã gây ra”.
Được biết, từ năm 2014, bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, một nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đã đệ đơn kiện tại Tòa án Évry ở ngoại ô Paris. Vụ kiện các tập đoàn hóa chất Mỹ đã được đưa ra xét xử vào năm 2021. Tuy nhiên, Tòa án Évry đã bác vụ kiện vì cho rằng các doanh nghiệp này có đủ cơ sở để sử dụng “quyền miễn trừ,” do họ đã hành động theo yêu cầu từ chính phủ Mỹ. Vì vậy, Tòa án Évry không có đủ thẩm quyền để xét xử hành động của một quốc gia có chủ quyền khác.
Sáng 7-5-2024, Tòa phúc thẩm Paris (Pháp) mở phiên điều trần cho vụ kiện của bà Trần Tố Nga chống 14 công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto, vì đã sản xuất và buôn bán thuốc diệt cỏ có chứa dioxin (chất độc da cam) cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Tòa phúc thẩm Paris ngày 22-8-2024 đã ra phán quyết giống với Tòa sơ thẩm Ervy. Theo đó, bác bỏ vụ đơn kiện dân sự của Trần Tố Nga kiện các tập đoàn hóa chất Mỹ đã cung cấp cho quân đội nước này chất độc da cam/dioxin để sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Trao đổi nhanh với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Pháp, bà Trần Tố Nga cho biết “không ngạc nhiên” trước phán quyết này và sẽ “không buông tay” mà tiếp tục theo đuổi vụ kiện.
Về phía Văn phòng luật sư Bourdon, đại diện của bà Trần Tố Nga, ông William Bourdon và Bertrand Repolt cũng bày tỏ quyết tâm tiếp tục đồng hành cùng bà Trần Tố Nga.
Các luật sư khẳng định: “Cuộc chiến do khách hàng của chúng tôi thực hiện không kết thúc với quyết định này. Do đó, chúng tôi sẽ kháng cáo lên Tòa án giám đốc thẩm. Trong vụ việc này, các thẩm phán đã có thái độ bảo thủ trái với tính hiện đại của luật pháp và trái với luật pháp quốc tế cũng như luật pháp châu Âu. Tòa án giám đốc thẩm sẽ quyết định.”
Sinh năm 1942 tại tỉnh Sóc Trăng, bà Trần Tố Nga từng là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng và bị nhiễm chất độc dioxin trong thời kỳ chiến tranh.
Theo kết quả giám định y tế, nồng độ dioxin trong máu của bà cao hơn tiêu chuẩn quy định dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt sức khỏe. Bà mắc 5 trong số 17 bệnh lý đã được Mỹ công nhận và liệt kê trong danh sách các bệnh do chất độc da cam gây ra. Không chỉ bản thân bà mà các con của bà đều bị dị tật tim và xương. Người con đầu đã qua đời khi mới 17 tháng tuổi do dị tật tim bẩm sinh.
Vào tháng 5-2009, bà Trần Tố Nga đã đứng ra làm chứng tại Tòa án lương tâm quốc tế vì nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam ở Paris. Sau đó, với sự ủng hộ và đồng hành của một số luật sư và nhà hoạt động xã hội Pháp ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam, bà quyết định đứng ra kiện các công ty hóa chất Mỹ.
Nguồn: https://nld.com.vn/viet-nam-lay-lam-tiec-ve-phan-quyet-lien-quan-vu-kien-chat-doc-da-cam-cua-ba-tran-to-nga-196240822190024991.htm