Nhiều công nghệ sản xuất cơ khí đã được doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận, làm chủ sản xuất, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về nguồn vốn, công nghệ cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ngày 9-12, Tạp chí Công Thương tổ chức tọa đàm “Đa dạng thị trường, phát triển sản phẩm cơ khí”.
Theo TS Phan Đăng Phong – viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, thị trường cơ khí trong nước đã có những chuyển biến rất tốt về cả lượng và chất.
Doanh nghiệp Việt có thể làm chủ công nghệ khó
Đơn cử như lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, từ trước đến nay các dây chuyền lắp ráp ô tô, xe máy hầu hết là do các đơn vị nước ngoài như Honda, Toyota, Hyundai… đảm nhận. Tuy nhiên, từ năm 2012, từ việc tập trung đào tạo nhân lực, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các đơn vị của Nhật, Hàn Quốc, viện đã tự chủ trong việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền lắp ráp ô tô.
Điển hình vừa rồi chúng ta cũng đã thành công trong việc ứng dụng dây chuyền để sản xuất, lắp ráp ô tô của Vinfast và các dây chuyền lắp ráp đã đưa vào vận hành, góp phần cho ra đời một số dòng xe như VF7, VF8, VF3…
“Đây là một thành công và thể hiện được rằng người Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ được những công việc khó mà từ trước tới nay là đặc quyền của các nhà thầu nước ngoài” – ông Phong nói.
Hay với lĩnh vực năng lượng tái tạo, viện cũng đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ thực hiện hệ thống phao nổi và neo cho các dự án điện mặt trời. Trong đó, dự án được thực hiện là điện mặt trời Đa Mi với công suất là 47,5 MW, sau đó là dự án Tầm Bó và Gia Hoét.
Với lĩnh vực sản xuất, một số ứng dụng cải tiến, lắp ráp toàn bộ hệ thống tự động hóa bao gồm từ khâu sản xuất đến khâu bốc dỡ, vận chuyển hàng cho Công ty CP Bột giặt Lix thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) được thực hiện, giúp giảm rủi ro trong sản xuất và tăng năng suất lao động.
Dù vậy, ông Phong cho rằng các doanh nghiệp cơ khí trong nước mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thiết bị của thị trường.
Đặc biệt là trong lĩnh vực thiết bị toàn bộ, như các nhà máy về nhiệt điện, thủy điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, xi măng hoặc sản xuất nguyên liệu…
Nguyên nhân là do ngành cơ khí chưa có những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” để sở hữu các công nghệ nguồn, đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án trọn gói. Đơn cử như lĩnh vực đường sắt đô thị, các nhà máy điện khí, doanh nghiệp chưa có đủ các năng lực để làm tổng thầu hoặc làm trọn gói.
Cần thêm nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp cơ khí
Nhìn nhận thực trạng này, ông Nguyễn Đức Cường – phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội – cho hay vẫn còn hạn chế các doanh nghiệp cơ khí Việt có tên tuổi và thương hiệu. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các doanh nghiệp FDI trong các ngành điện tử, máy in, máy giặt, ô tô, xe máy…
“Nếu có nguồn vốn đầu tư không lãi suất thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội. Tôi đã đến Nhật thì họ cũng có những nguồn vốn giống như vậy và hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Cùng đó là hỗ trợ về công nghệ để tăng dần tự động hóa, đầu tư chuyên sâu về nghiên cứu, thiết kế” – ông Phong nói.
Ông Cao Văn Hùng – giám đốc phát triển thị trường quốc tế, Công ty Cơ khí chính xác Smart Việt Nam – cho hay những năm gần đây các doanh nghiệp Việt Nam đang được hưởng lợi rất nhiều từ làn sóng chuyển dịch từ các thị trường quốc tế. Đặc biệt là các công ty muốn rút khỏi Trung Quốc và để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chuyển dịch sang Việt Nam.
Thực tế tại Smart Việt Nam, doanh thu năm nay tăng từ 260-280% nhờ vào nhu cầu tăng đột biến của các khách hàng đối với sản phẩm cơ khí. Trong đó, doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ cho việc bán hàng, nghiên cứu và phát triển, song vẫn cần chính sách nhà nước hỗ trợ cho đầu tư máy móc, thiết bị hiện dại, giảm giá thành cạnh tranh…
“Tuy vậy chúng tôi mong muốn các chính sách cho doanh nghiệp hiện nay sẽ được đơn giản hóa, hoặc là mình sẽ có cơ chế nào để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng hơn” – ông Hùng bày tỏ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/viet-nam-lam-chu-nhieu-cong-nghe-co-khi-co-day-chuyen-san-xuat-o-to-dien-vinfast-20241209122913865.htm