Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc đến phát biểu Việt Nam là trụ cột trong chính sách Hành động hướng Đông của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để nhấn mạnh những tin tưởng, cơ hội hợp tác của hai nước.
Thủ tướng tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Ấn Độ – Ảnh: NGỌC AN
Trưa 31-7 (giờ địa phương), tại thủ đô New Delhi, trong chương trình chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Ấn Độ.
Hội trường với hàng trăm ghế ngồi không còn chỗ trống, phần nhiều là các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Ấn Độ. Lãnh đạo Liên đoàn Các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ bày tỏ Ấn Độ và Việt Nam chia sẻ mối quan hệ lịch sử hàng trăm năm.
Nền tảng hợp tác dựa trên sự tin cậy
Trong đó quan hệ kinh tế thương mại là xương sống, với kim ngạch thương mại hai nước còn nhiều tiềm năng. Hai nước có nhiều thế mạnh, có thể bổ trợ lẫn nhau, có lợi cho quan hệ hai nước như lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng Nhà nước Ấn Độ phụ trách thương mại và công nghiệp Jitin Prasada thì đánh giá Việt Nam có nền kinh tế năng động, phát triển, hội nhập sâu rộng. Ấn Độ rất quan tâm sự thịnh vượng của Việt Nam, đang hội nhập sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu với tiềm năng cơ hội hợp tác vô cùng lớn.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, lịch sử quan hệ Việt Nam – Ấn Độ bắt nguồn từ quá trình giao lưu văn hóa, tôn giáo hơn 2.000 năm trước và được các nhà lãnh đạo gây dựng, vun đắp.
Hai nước luôn ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau và trải qua hơn 5 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã mở ra không gian hợp tác mới, đặc biệt là hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại trở thành điểm sáng.
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng trước tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị Thượng đỉnh G20: Việt Nam là trụ cột mạnh mẽ trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ, dựa trên sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.
Với việc đặt Việt Nam ở vị trí trọng tâm, cầu nối trong chính sách Hành động hướng Đông đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Ấn Độ, cũng như quan hệ kinh tế lên một tầm cao mới.
Trong đó ông cảm ơn sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của các doanh nghiệp Ấn Độ với Việt Nam, giúp vun đắp tình hữu nghị tốt đẹp hai nước trong hơn 50 năm qua.
Thủ tướng nhấn mạnh giữa hai nước có 5 yếu tố nền tảng rất quan trọng để tăng cường sự tin cậy cao, thành công, hiệu quả. Đó là: quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp; tin cậy chính trị cao; thị trường rộng mở; văn hóa, văn minh tương đồng; ý tưởng tương thông; cùng chung khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra 5 nền tảng trong hợp tác của hai nước – Ảnh: NGỌC AN
Chia sẻ những thành tựu phát triển của Việt Nam, các quan điểm phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh thành công của các nhà đầu tư nước ngoài là thành công của Việt Nam.
Kích hoạt các lĩnh vực nhiều tiềm năng: công nghệ, dược phẩm
Ông nêu ra tinh thần “3 cùng”: cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển. Đã cam kết phải làm, đã làm phải có kết quả, phải “cân, đong, đo, đếm” được, mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị các bộ ngành Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Ấn Độ, hàng hóa Việt Nam tiếp cận thuận lợi hơn nữa thị trường Ấn Độ.
Hai bên nỗ lực hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỉ USD/năm, phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng số, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, các hạ tầng xã hội; cùng tiếp tục ủng hộ tại các diễn đàn quốc tế; sớm mở thêm đường bay thẳng hai nước; tăng cường giao lưu nhân dân.
Đối với doanh nghiệp Ấn Độ, ông mong tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là bán dẫn, đổi mới sáng tạo, dược phẩm, hydrogen, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số….
Chia sẻ về cuộc gặp với các nhà đầu tư diễn ra trước diễn đàn với cam kết đầu tư lên tới chục tỉ USD, Thủ tướng mong muốn sớm hình thành hệ sinh thái dược phẩm ở Việt Nam, sản xuất các loại thuốc ngừa ung thư, hỗ trợ tim mạch; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu; coi Việt Nam là điểm đến chiến lược.
Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí tuân thủ, giảm thời gian đi lại, tăng cường phân cấp, phân quyền nhiều hơn. Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để thu hút đầu tư như hạ tầng giao thông, cấp điện, lập các tổ giải quyết các vướng mắc của các nhà đầu tư…
Tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/viet-nam-la-tru-cot-trong-chinh-sach-hanh-dong-huong-dong-cua-an-do-20240731153809995.htm