Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ tại hội nghị ngoại giao kinh tế do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì chiều tối 2.4.
Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và công nghệ thông tin cho biết, qua làm việc, nhiều đối tác nước ngoài nhận định “Việt Nam là quốc gia được chọn và nguồn nhân lực Việt Nam được chọn” để tham gia hệ sinh thái bán dẫn của thế giới.
Theo ông Khoa, Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin, trong đó có gần 500.000 kỹ sư phần mềm, sẵn sàng chuyển sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn. Ngành bán dẫn và công nghệ thông tin trên toàn cầu đang thiếu hụt nguồn lực, vì hầu hết thanh niên ở các nước mạnh về bán dẫn đang tập trung cho các lĩnh vực khác như tài chính, logistics… Mặt khác, lĩnh vực AI, bán dẫn, chip sẽ là xu hướng của tương lai.
CEO Tập đoàn FPT cũng đề xuất “ngoại giao tổng lực” cho lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; đẩy mạnh kết nối với các trường đại học nước ngoài để chuyển giao chương trình, đào tạo nhân lực; xây dựng chính sách thu hút FDI bán dẫn. Đẩy mạnh truyền thông hình ảnh Việt Nam gắn với ngành bán dẫn.
Về phía ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết sẽ cùng các cơ quan với sự tham gia của hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển thị trường nông sản để biến sản phẩm thành thương phẩm. Thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển mạnh từ tư duy “buôn chuyến” sang làm ăn đường dài hơn.
Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong năm 2024, ngoại giao kinh tế phải đột phá hơn. Trong đó, cần tạo đột phá trong thu hút đầu tư các lĩnh vực mới như bán dẫn, AI, năng lượng…
Thúc đẩy và đón tiếp chu đáo đoàn công tác của các tổ chức doanh nghiệp, các tập đoàn lớn trên thế giới tới Việt Nam; nắm bắt và kiến nghị xử lý phù hợp, kịp thời các đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu phải tổ chức thiết thực, hiệu quả Diễn đàn Trí thức chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài cùng với Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài sắp tới để các chuyên gia, trí thức Việt kiều chia sẻ, đóng góp cho những vấn đề về phát triển của đất nước.
Đồng thời, nâng cao chất lượng, tính nhạy bén, kịp thời của công tác nghiên cứu, thông tin, tham mưu chiến lược, nắm bắt xu thế, phản ứng chính sách kịp thời, phục vụ điều hành kinh tế – xã hội; tập trung vào các xu thế mới, xu hướng điều chỉnh chính sách, ưu tiên mới của các đối tác, “những thứ họ cần chứ không phải thứ mình có”.