Có được kết quả này nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đi qua trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có những biến động mạnh, bất thường. Đại dịch COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề và tác động trực tiếp tới nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Tuy nhiên, khó khăn đó cũng như “lửa thử vàng” khi kinh tế Việt Nam đạt được những kết quả tích cực, vượt qua những thách thức chưa từng có, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định Việt Nam là một điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.
COVID-19 đã khiến hoạt động kinh tế toàn cầu ảnh hưởng nặng nề, nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm, nhiều ngành nghề tê liệt. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng cũng rất nhanh chóng kinh tế Việt Nam phục hồi khi các định hướng mới được đưa ra là bước ngoặt để kinh tế Việt Nam tìm được hướng đi trong bối cảnh đầy khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá: “Đảng đã có những chỉ đạo rất kịp thời và đúng đắn. Bộ Chính trị đã ban hành hai kết luận rất quan trọng đó là: Kết luận số 07 về một số nhiệm vụ trọng tâm phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế xã hội và Kết luận 24 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Ban chấp hành Trung ương cũng ban hành Kết luận 20. Trên cơ sở đó Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa thành các nghị quyết, các chươmg trình kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế, cũng như những biện pháp chính sách phòng chống COVID-19 phù hợp trong tình hình mới”.
“Dập dịch nhanh chóng như thế thì doanh nghiệp quay lại và tận dụng rất tốt cơ hội đó, cho nên tôi nghĩ quyết sách tại thời điểm đó mà không có tiền lệ như thế, từ Đảng tới các cơ quan của Nhà nước đã làm rất tốt”, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho hay.
Kinh tế Việt Nam đã đạt đươc những kết quả tích cực, tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6 – 6,5% và là mức tăng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
“Việt Nam đã thành công trong việc thực hiện phòng chống dịch bệnh COVID-19 và cũng rất nhanh chóng có định hướng phục hồi kinh tế. Bước ngoặt của việc thay đổi nhận định về dịch đã giúp Việt Nam nhanh hơn một bước và đó chính là cơ hội để kinh tế Việt Nam có kết quả rất tốt trong thời gian qua khi thế giới vẫn còn đang rất khó khăn”, ông Adam Sitkoff – Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội nhận định.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 4%, các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm đã tạo điều kiện để nền kinh tế Việt Nam có sức cạnh tranh lớn hơn.
Ông Lê Văn Tuấn – Tổng Giám đốc Tổng Công ty lắp máy Việt Nam LILAMA nói: “Lãi suất không quá cao, lạm phát không tăng cao quá nên đời sống của người lao động và chi phí tài chính của doanh nghiệp không như nước khác, so với nước khác là ổn hơn”.
Một trong những điểm nhấn quan trọng thời gian qua là việc đẩy mạnh đầu tư công, phát triển hạ tầng. Hai năm vừa qua liên tiếp có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 90% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc – Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết: “Đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt như thời gian qua, tức hai năm qua làm đường cao tốc bằng 10 năm cộng lại, thời gian chỉ đạo rút ngắn tiến độ”.
Thời gian qua kinh tế cũng được tăng cường tính minh bạch, nhiều tồn tại được giải quyết như các dự án chưa hiệu quả được cơ cấu, vận hành trở lại, hệ thống tài chính tín dụng được thanh lọc… Điều này là cần thiết để tăng cường sức khỏe của nền kinh tế.
Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho hay: “Có sự lường tránh được những nguy cơ, rủi ro, thách thức đan xen nhưng phải nói rằng sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng thuận của nhân dân, niềm tin của nhân dân được củng cố vào sự lãnh đao của Đảng nên đã phát huy được nội lực, tranh thủ ngoại lực”.
Kinh tế nửa nhiệm kỳ đã vượt qua được nhiều khó khăn nhưng thách thức vẫn còn rất nhiều khi kinh tế thế giới vẫn đang sụt giảm. Nhiều khó khăn nội tại yêu cầu Việt Nam luôn chủ động và nỗ lực.