Việt Nam liên tục được người nước ngoài đánh giá cao về phong cảnh, chi phí sinh hoạt thuận lợi, còn số lượng kiều bào muốn quay về đầu tư, sinh sống cũng ngày càng tăng.
Khát vọng góp sức cho quê hương
Hôm qua 30.8, khi đang ở sân bay Đà Nẵng chuẩn bị bay đi Phú Quốc, bà Cecile Le Pham (quốc tịch Pháp) – Tổng giám đốc Tập đoàn Dacotex – khoe vừa nhận được bằng khen của Bộ Ngoại giao vì những hoạt động xã hội, kết nối thiết thực của mình. Bà cho hay mình càng vui hơn khi visa dành cho người nước ngoài lưu trú tại VN được kéo dài 45 ngày. Trước đó, vào cuối tháng 4, bảo tàng tư nhân thứ 5 tại Huế mang tên Bảo tàng mỹ thuật Cecile Le Pham cũng chính thức được khai trương. Bà Cecile Le Pham chia sẻ năm 1992, sau gần 20 năm xa quê hương, trong vai trò Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo trợ trẻ em VN tại Pháp (ACSOC), bà đưa đoàn thiện nguyện gồm y bác sĩ người Pháp và người Pháp gốc Việt về VN khám chữa bệnh cho trẻ em nghèo ở các vùng sâu, vùng xa. Từ đó, bà bén duyên tại quê mẹ. Hơn 30 năm qua, bà lập ACSOC tại VN, bảo trợ tài chính xây dựng nhiều mái ấm cưu mang trẻ em mồ côi ở miền Trung và miền Nam; đồng sáng lập và đầu tư thành lập Tập đoàn Dacotex tại Đà Nẵng chuyên làm hàng may mặc xuất khẩu sang Pháp, Brazil, Mexico. Rồi bà mở rộng đầu tư ra Huế, vào Quy Nhơn… với 4 nhà máy, tạo hơn 3.000 công ăn việc làm cho thanh niên tại 3 địa phương này. Bà nói giản dị: “Giới trẻ ở các vùng quê miền Trung lớn lên là nam tiến lập nghiệp, lao động phổ thông, có tay nghề đều xa xứ làm ăn vì ở quê nhà không có gì để làm. Khi các nhà đầu tư đổ về những vùng đất tiềm năng để mở nhà máy, tôi lặng lẽ về Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế, Quy Nhơn… để xây dựng nhà máy. Tôi khát khao, mong muốn tạo nhiều công ăn việc làm hơn, để các bạn trẻ có thể lập nghiệp ngay tại quê nhà, chiều về nhà cùng ăn bữa cơm với ba mẹ…”.
Về VN sớm hơn và đang là chuyên gia tư vấn cao cấp cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) tại châu Á – Thái Bình Dương, GS Hà Tôn Vinh, Việt kiều Mỹ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp giáo dục đào tạo Stellar Management, từng có công ty kinh doanh tại Mỹ và Tây Phi nhưng chỉ sau vài năm Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với VN, ông bỏ hết để về nước với giải thích ngắn gọn: “Về nước, trước hết là vì cá nhân mình, tôi được làm những điều mình thích, được chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của mình trong thời điểm đất nước cần, nền kinh tế hội nhập và mở cửa”. Sau thời gian đầu hoạt động tư vấn quản trị doanh nghiệp, ông được ví là nhà truyền lửa đam mê và khát vọng thành công cho thế hệ CEO đầu tiên của VN. “Đi đâu tôi cũng gặp người Việt sống ở các nước, họ nói rằng họ mong được về thăm quê hương, định cư tại quê nhà, hoặc đầu tư vào làng quê hay thành phố nơi họ đã sinh ra và lớn lên. Tuy nhiên, họ lo không biết bắt đầu thế nào. Thời gian về có hạn, khoảng cách xa xôi và vì kinh nghiệm ít ỏi, nên họ cần một cầu nối, một tổ chức tư vấn hỗ trợ cho các nhu cầu nói trên của họ. Theo tôi, cần có tổ chức hỗ trợ thiết thực hơn nữa”, GS Vinh nói.
Trong thực tế, rất nhiều doanh nhân, trí thức Việt kiều đã về nước và thành công tại quê nhà. Trong đó, phải kể đến TS Nguyễn Thành Mỹ, Việt kiều Mỹ đã thành lập 8 công ty trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có đến 6 doanh nghiệp hoạt động thành công tại Trà Vinh; doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ – Việt kiều Úc – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vabis và hơn 15 công ty có trụ sở tại VN, Lào và Úc…
Được người nước ngoài yêu thích
Không chỉ kiều bào muốn quay về quê hương sinh sống và làm việc, nhiều người nước ngoài cũng đánh giá cao đất nước và con người VN. Cụ thể, theo bảng xếp hạng 53 quốc gia/vùng lãnh thổ mà người nước ngoài muốn định cư nhất vừa được tổ chức InterNations – Mạng lưới người nước ngoài toàn cầu – công bố, VN xếp hạng 14 trong danh sách những quốc gia người nước ngoài muốn định cư nhất với nhiều hạng mục được chấm điểm cao như công việc và giải trí xếp hạng 6; tìm kiếm bạn bè xếp hạng 11; thân thiện cũng được xếp hạng 11; dễ dàng định cư hạng 14; mức lương đứng hạng 18…
Trong đó, VN được nhận định là nơi đáng sống với giá cả phải chăng. Ở chỉ số “tài chính cá nhân”, VN là quốc gia dẫn đầu danh sách. Chỉ số này dựa trên 3 yếu tố, bao gồm: sự hài lòng với tình hình tài chính, chi phí sinh hoạt chung, thu nhập của người tham gia khảo sát có đủ sinh hoạt thoải mái không. 77% người được hỏi đánh giá chi phí sinh hoạt ở mức thuận lợi, trong khi chỉ số trung bình toàn cầu là 44%. Bên cạnh đó, VN thuộc nhóm các quốc gia châu Á được người nước ngoài đánh giá cao nhất về chỉ số “an ninh”. Dù vậy, vẫn còn một số hạng mục VN bị xếp hạng thấp hơn như môi trường kém ở hạng 50 (tình hình chung của các nước Đông Nam Á), chăm sóc sức khỏe xếp hạng 40 hay giao thông đứng hạng 44… Đây là năm thứ 10 liên tiếp InterNations tổ chức thăm dò để cho ra đời danh sách này. Có gần 12.000 người thuộc 177 quốc tịch và sống ở 181 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ tham gia khảo sát. Báo cáo xếp hạng là kết quả của quá trình phân tích dựa trên các yếu tố ảnh hưởng đến cuộc sống của một người tại nước ngoài như chi phí sinh hoạt, chất lượng môi trường sống, cơ hội công việc, mức độ dễ dàng định cư, tài chính cá nhân…
71% người VN ở nước ngoài xem xét khả năng quay về quê
Khảo sát mới của Tập đoàn Tư vấn tuyển dụng Robert Walters cho thấy 71% người VN ở nước ngoài đang tích cực xem xét khả năng quay lại quê hương sinh sống và làm việc trong vòng 5 năm tới. Tỷ lệ này cao hơn so với 3 quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cùng được thực hiện khảo sát, bao gồm Indonesia (60%), Philippines (62%) và Singapore (58%). Có đến 66% người tham gia khảo sát cho biết họ tin tưởng vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế VN. Ngoài ra, tỷ lệ giữa mức lương cao và chi phí sinh hoạt thấp cũng là yếu tố hấp dẫn đối với 44% người khảo sát. Theo đó, việc trở về quê hương sẽ giúp họ có được một cuộc sống thoải mái và chất lượng hơn. Ngoài những lý do kinh tế, khảo sát cũng cho thấy có nhiều yếu tố then chốt khác làm tăng mong muốn quay về quê hương của kiều bào. Cụ thể, 62% người được khảo sát cho rằng sự gắn kết về mặt cảm xúc, xã hội và văn hóa với VN thôi thúc họ trở về quê nhà, tăng 13% so với khảo sát năm 2021. Ngoài ra, 40% cũng cho biết họ muốn về nước để thuận tiện chăm sóc và gần gũi hơn với gia đình, người thân ở VN…
Riêng đối với du khách nước ngoài, VN cũng luôn được lựa chọn là điểm đến yêu thích. Theo bảng xếp hạng những quốc gia thân thiện nhất thế giới 2021 trên trang World Population Review, VN đứng thứ 9 trong 10 nước thân thiện với người nước ngoài nhất thế giới. Với sự mến khách, hòa đồng, người nước ngoài sẽ dễ dàng kết bạn với người dân bản địa và sinh sống ở VN lâu dài. Tình hình chính trị ở VN cũng ổn định, không có khủng bố, an ninh tương đối đảm bảo, du khách có thể yên tâm khi đến tham quan, du lịch và sinh sống mà không cần lo ngại nhiều…
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng là một trong số những người Việt ở nước ngoài quay về VN làm việc 13 năm qua. Theo ông, những xếp hạng của người nước ngoài đối với VN nói trên là khá cao. Kinh tế vĩ mô ổn định, an toàn an ninh là điều từ trước đến nay VN luôn được đánh giá cao trong mắt người nước ngoài hay kiều bào về nước. Trong suốt thời gian ở VN, bản thân ông cũng chứng kiến rất nhiều thứ thay đổi mạnh. Đó là cơ sở hạ tầng mở rộng, cao ốc nhiều hơn đã khiến cho nhiều thành phố trở nên hiện đại; chất lượng cuộc sống người dân gia tăng khi số người nghèo, ăn xin giảm mạnh. Bên cạnh đó, thực phẩm, thức ăn phong phú và dịch vụ cũng tốt hơn nhiều so với thời gian đầu khi ông mới quay về VN.
Đẩy mạnh thu hút nguồn lực kiều bào
Từ năm 1980, VN đã tiếp nhận một lượng lớn ngoại tệ từ kiều bào ở nước ngoài. Lượng kiều hối gửi về VN đã tăng từ 35 triệu USD (năm 1991) lên 1,75 tỉ USD (năm 2000) và đến năm 2022, theo báo cáo của WB và Tổ chức Hợp tác Quốc tế về người di cư (KNOMAD), tổng mức kiều hối được chuyển về VN đạt gần 19 tỉ USD. VN là một trong số 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất trên thế giới. Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các chuyên gia đều cho rằng kiều hối là “nguồn lực vàng” để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nếu so với các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hay đầu tư gián tiếp nước ngoài, kiều hối vào VN luôn có giá trị lớn và có tính ổn định cao hơn.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội), trong khoảng hơn 10 năm qua, kinh tế VN luôn duy trì ổn định với tốc độ tăng trưởng cao. Rất nhiều người nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia đã vào VN đầu tư và đạt nhiều thành công. Từ đó, có một tỷ lệ khá lớn người nước ngoài lựa chọn VN làm nơi thường trú dài hạn. Đồng thời, giá cả chi phí sinh hoạt tại VN cũng khá ổn định. Chưa kể phong cảnh VN có nhiều đồi núi, bãi biển đẹp, lôi cuốn cả kiều bào lẫn người nước ngoài. Đặc biệt, văn hóa, con người luôn thân thiện với người nước ngoài, với kiều bào cũng là nét hấp dẫn của VN. Những điều kiện này sẽ giúp thu hút được nhiều hơn dòng vốn FDI đang có dấu hiệu tăng trở lại. “Nhiều tập đoàn lớn ở VN đã phát triển mạnh cũng xuất phát từ nguồn gốc kiều bào quay về đầu tư kinh doanh. Chính vì vậy, với lực lượng người VN ở nước ngoài thì không chỉ gia tăng chính sách khuyến khích, thu hút kiều hối mà còn cần tập trung thu hút về nhân lực để góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển khoa học công nghệ. Đây sẽ là nguồn lực lớn góp phần thúc đẩy kinh tế VN phát triển hơn”, TS Nguyễn Quốc Việt nói.
Cần chính sách linh hoạt hơn
Thế giới sau đại dịch biến chuyển rất lớn, chúng ta nỗ lực nhiều để có chính sách thay đổi giúp nhanh chóng phục hồi. Thế nhưng, qua quan sát và thực tế cho thấy, các thay đổi vẫn chậm một bước so với nhu cầu. Đâu đó đã hình thành nên một số giấy phép con, quy định khắt khe từ những ngày chống dịch, nay vẫn được duy trì, áp dụng, đẩy doanh nghiệp, tổ chức xã hội khó khăn hơn. Ví dụ gia hạn giấy phép hoạt động của tổ chức thiện nguyện đã hoạt động 30 năm, nay khó hơn, nhiêu khê hơn, dù các tài trợ về thuốc men, trang thiết bị y tế cho vùng sâu, xa… vẫn như trước. Thứ 2, lãi suất ngân hàng là câu chuyện dài. Trong khó khăn nhất, tôi mong muốn được vay lãi suất tốt để trả lương cho công nhân dù không có việc làm, mong muốn giữ chân người lao động, để khi có đơn hàng, họ vẫn gắn bó với mình. Thế nhưng, lãi cho vay cao đã đành, việc tiếp cận được nguồn vay vô cùng khó khăn. Chính sách về tài chính cần được cởi mở hơn, Việt kiều đưa ngoại tệ về xây dựng nhà máy, nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất, nhưng trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp không ít khó khăn. Trong quá trình hoạt động, khi hết tiền mặt để phục vụ các chi phí hằng tháng, nên chăng ngân hàng cho vay trong những trường hợp này. Nói chung chính sách cần được linh hoạt hơn và bớt các thủ tục cứng nhắc hơn.
Bà Cecile Le Pham – Tổng giám đốc Tập đoàn Dacotex
Đồng tình, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng dù đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực nhưng vẫn còn một số yếu tố có thể khiến kiều bào hay người nước ngoài nản lòng khi lần đầu đến VN. Chẳng hạn, thái độ của một số cán bộ, nhân viên ở các cơ quan mà kiều bào phải tiếp xúc lần đầu thiếu nhiệt tình, thiếu thân thiện. Các loại giấy tờ, thủ tục hành chính còn khó khăn, phức tạp, thời gian giải quyết hồ sơ cũng còn lâu… Chính vì vậy, nhiều kiều bào muốn quay về nước để đầu tư, sinh sống thì ngay chuyến đi đầu tiên đã nhụt chí. Ông Hiếu nhấn mạnh: kiều bào không mong chờ được ưu đãi hơn doanh nghiệp trong nước mà họ mong được đối xử công bằng, minh bạch khi sinh sống và làm việc tại VN. Riêng đối với việc thu hút dòng vốn FDI nói chung, ông đề nghị nên xem xét rút ngắn quy trình cấp phép đầu tư, rút ngắn thời gian xử lý so với hiện nay. Từ đó, cộng với những mặt tích cực của VN đã được người nước ngoài công nhận thì thật sự mới tạo nên điểm thu hút hấp dẫn hơn nữa.
Thanhnien.vn