Việt Nam đã lọt vào nhóm một số ít quốc gia đã khống chế dịch HIV trong nhóm tiêm chích ma túy với tỷ lệ hiện nhiễm trong nhóm này là 0,4/100 người năm.
Chiều 8/5, Quỹ toàn cầu đã tổ chức sự kiện bên lề tại Hội nghị cấp cao lần thứ 49 của Ban điều hành Quỹ Toàn cầu tại Việt Nam: “Từ nghiên cứu đến chương trình-Quan hệ đối tác chăm sóc lấy con người làm trung tâm cho những người tiêm chích ma túy”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, nếu như vào những năm 2001-2002, tiêm chích heroin là nguyên nhân chính làm lây truyền HIV ở Việt Nam, với tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy là khoảng 30%, thì hiện nay Việt Nam đã lọt vào nhóm một số ít quốc gia đã khống chế dịch HIV trong nhóm tiêm chích ma túy với tỷ lệ hiện nhiễm trong nhóm này là 0,4/100 người năm.
“Việt Nam đã triển khai các can thiệp toàn diện cho người tiêm chích ma túy, dự phòng lây nhiễm HIV dưới nhiều hình thức phong phú và phù hợp, bao gồm: Phân phát bơm kim tiêm sạch, điều trị bằng Methadone, xét nghiệm HIV diện rộng, điều trị ARV và gần đây là điều trị viêm gan C, PrEP.
Một trong những sáng kiến thành công ở Việt Nam là dự án nghiên cứu DRIVE được phát triển cách đây hơn một thập kỷ theo yêu cầu của Bộ Y tế nhằm xác định một gói can thiệp có thể ngăn chặn lây truyền HIV trong nhóm người tiêm chích ma túy”, bà Thu Hương cho hay.
Dự án nghiên cứu DRIVE 2016-2021 (được ANRS và NIDA tài trợ) với mục tiêu đánh giá can thiệp phối hợp điều trị và dự phòng HIV cho cộng đồng người nghiện chích ma túy tại Hải Phòng.
Kết quả nghiên cứu DRIVE thêm bằng chứng khẳng định dịch HIV ở người nghiện chích ma túy tại Hải Phòng đã kết thúc (tỷ lệ mới mắc dưới 1/100 người).
Hải Phòng chuyển sang chiến lược phù hợp với dịch HIV là tập trung hỗ trợ người nghiện chích ma túy duy trì điều trị và xử lý thách thức mới về việc sử dụng Methamphetamine tràn lan, hay triển khai mang MMT về nhà, và vấn đề sức khỏe tâm thần ở người sử dụng ma túy.
Từ kết quả của DRIVE, các nghiên cứu nhánh DRIVE C, DRIVE MIND, DRIVE COVID, DRIVE TB được phát triển để can thiệp về các bệnh HCV, loạn thần, Covid-19 và lao ở cộng đồng người tiêm chích ma túy.
Tại sự kiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương đã gửi lời cảm ơn đến sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đặc biệt của Quỹ Toàn cầu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam, và khẳng định Việt Nam nỗ lực thực hiện mục tiêu 95-95-95 và hướng tới kết thúc đại dịch vào năm 2030.
Theo nhandan.vn