Kinhtedothi-Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết khoảng 30% du khách đến Quảng Nam có trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Sáng 10/12, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phối hợp với Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất tại Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An.
Chương trình hướng đến việc xác định các thách thức cũng như chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy hợp tác du lịch nông thôn; định hướng các chính sách phát triển du lịch nông thôn bền vững, đảm bảo công bằng lợi ích; góp phần vào 3 trụ cột bền vững – kinh tế, xã hội và môi trường – phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ An Phong khẳng định Việt Nam đã quan tâm phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc và đa dạng trong dịch vụ của Việt Nam. Bên cạnh đó, các địa phương đã không ngừng thúc đẩy kết nối tour tuyến, mở rộng không gian đón khách về nông thôn.
Bên cạnh đó, du lịch đóng góp làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng nông thôn, đưa nhiều vùng hạn chế về điều kiện phát triển trở thành “vùng quê đáng sống”. Du lịch nông thôn còn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường và bản sắc văn hóa truyền thống.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Việt Nam là đất nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn. Đây chính là những tài nguyên quý giá cung cấp các giá trị trải nghiệm khác biệt, góp phần thu hút khách du lịch về khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở vùng sâu, vùng xa của Việt Nam có quy mô nhỏ, thiếu tính chuyên nghiệp, gặp khó khăn về hạ tầng giao thông và các điều kiện kinh tế xã hội khác, hạn chế về nguồn lực đầu tư.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết du lịch nông nghiệp – nông thôn tại địa phương bắt đầu hình thành từ những năm 2010 và phát triển mạnh từ năm 2013. Quảng Nam là vùng đất “ngũ phụng tề phi” với 2 di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn; có khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm; có nghệ thuật Bài chòi được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; có nghề trồng rau Trà Quế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chính những lợi thế vốn có, Quảng Nam thực sự là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Ước tính, trên 30% du khách đến Quảng Nam có trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Thời gian tới, Quảng Nam tiếp tục nỗ lực đưa ngành du lịch địa phương phát triển theo định hướng du lịch xanh. Các địa phương từng bước cải thiện để ghi dấu ấn tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, góp phần thực hiện du lịch net zero theo lộ trình cam kết của Chính phủ Việt Nam.
Việt Nam hiện đã có 3 làng được công nhận là Làng du lịch tốt nhất của UN Tourism: làng Thái Hải, tỉnh Thái Nguyên năm 2022; làng Tân Hóa, tỉnh Quảng Bình năm 2023; làng rau Trà Quế, tỉnh Quảng Nam năm 2024.
Ngoài ra, có khoảng 126 điểm tài nguyên du lịch nông nghiệp nông thôn đã được thống kê, trong đó nhiều điểm hoạt động rất hiệu quả như làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh, làng mộc Kim Bồng, thuộc TP Hội An.
Hội nghị lần này còn tập trung vào 3 chủ đề chính gồm: Chính sách cấp quốc gia và địa phương thúc đẩy du lịch phát triển nông thôn; Thu hút sự tham gia và trao quyền cho cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các điểm đến nông thôn.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/viet-nam-khai-pha-tiem-nang-du-lich-nong-thon.html