Kinh tế xanh, như nhìn nhận của nhiều chuyên gia, là quá trình chuyển đổi mà Việt Nam phải trải qua để bảo đảm phát triển kinh tế bền vững và chống chọi với biến đổi khí hậu, đồng thời là việc “cần phải làm” để chứng minh sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế vì lợi ích toàn cầu. Tuy nhiên, để đi vững được trên con đường mới này, cam kết và sự quyết tâm không thôi là chưa đủ.
1.Trên mặt báo những ngày qua là hình ảnh có thể nói là rất đẹp: Giữa tiết trời dễ chịu của mùa thu Hà Nội, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng thong dong đạp xe qua một số con phố của Thủ đô. Không chỉ là hành động mang tính ngoại giao, hình ảnh hai Thủ tướng đạp xe còn gửi tới công chúng thông điệp lớn lao phía sau, đó là xu thế tăng trưởng xanh, kinh tế xanh đã, đang trở thành xu thế nổi trội trên thế giới, được nhiều quốc gia lựa chọn trong bối cảnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức quyết liệt trên phạm vi toàn cầu.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế xanh 2023 với chủ đề “Hợp tác châu Âu – Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến xanh”, người bạn đồng hành của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, không chỉ riêng ông mà nhiều năm qua, người dân Hà Lan đã chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển chính, rằng ở Hà Lan, toàn bộ hệ thống thúc đẩy người dân sử dụng giải pháp thay thế rất lành mạnh là xe đạp.
Nhưng trên cả câu chuyện lựa chọn một phương tiện giao thông, là câu chuyện hướng tới phát triển xanh, kinh tế xanh. “Chúng ta có mặt ở diễn đàn này vì chúng ta tin rằng, tăng trưởng xanh chính là tương lai của chúng ta và cùng nhau, ta có thể biến khát vọng thành hiện thực, để Việt Nam xứng danh với tên gọi của mảnh đất của “rồng bay lên”, mảnh đất của những cơ hội. Chúng ta có thể cùng hợp tác để Việt Nam và Hà Lan cùng trở thành “rồng xanh”, tận dụng mọi cơ hội mới đang diễn ra trước mắt chúng ta” – Thủ tướng Hà Lan chia sẻ tại Diễn đàn.
Cũng tại Diễn đàn, lãnh đạo EU, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) đánh giá cao những thành tựu phát triển và tiềm năng to lớn của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, tuần hoàn, công nghệ cao.
Theo các đại biểu, thế giới đang diễn biến khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, khủng hoảng do biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng mở ra các cơ hội mới đối với phát triển kinh tế-xã hội của từng quốc gia. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế xanh và bền vững là chìa khóa và là hướng đi bắt buộc của các quốc gia trên toàn cầu.
Kinh tế xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải cacbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái. |
2. Đồng tình với quan điểm này, tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức là một xu thế, phong trào và lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam”. Trên thực tế, không nằm ngoài xu thế đó, trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xanh.
Nghị quyết số 29–NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực.
Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng đã xác định mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, kết quả đạt được đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng, tại Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh mới chỉ ở xuất phát điểm. Còn tại Diễn đàn Kinh tế xanh 2023, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng cho biết, là một đất nước đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, Việt Nam còn gặp những khó khăn trong quá trình thực hiện các giải pháp phát triển xanh. “Chúng ta còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới”; “Chúng tôi cần sự chia sẻ, giúp đỡ để chúng ta cùng thắng”– Thủ tướng chỉ rõ.
3. Trong rất nhiều những việc mà chúng ta còn phải làm mà người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra, có câu chuyện cơ chế, chính sách cho phát triển xanh. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam năm 2023 diễn ra ngày 19/9, tại Hà Nội, với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” – Tiến sỹ Hà Huy Ngọc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đề xuất cần xây dựng chính sách về huy động nguồn vốn cho phát triển nhanh và bền vững như: Phát triển thị trường trao đổi quyền phát thải theo cơ chế thị trường tại Việt Nam; xây dựng và hoàn thiện các công cụ thuế đối với các hoạt động hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững; xây dựng, áp dụng khung chính sách về khuyến khích và ưu đãi đầu tư, cơ chế và các công cụ tài chính nhằm khơi thông nguồn lực xã hội, huy động hiệu quả nguồn lực tài chính của khối doanh nghiệp cho ứng phó biến đổi khí hậu.
Còn tại Diễn đàn “Tăng trưởng xanh-Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không”, ngày 15/9 tại TP.HCM, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, khẳng định: Việt Nam đều đã có chủ trương, định hướng về thúc đẩy quá trình chuyển dịch để hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Còn TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc áp dụng, lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của một số địa phương đang đối mặt với không ít thách thức, do thiếu các nhóm giải pháp cụ thể và chưa thật sự khả thi đối với hoàn cảnh cụ thể của địa phương.
Do đó, để đạt được các mục tiêu và định hướng phát triển mà “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050” đề ra, cần sớm ban hành Bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh cấp quốc gia của Việt Nam. Theo đó, cần bổ sung một số chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Chuẩn bị sẵn sàng để hoàn thiện và áp dụng Bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025).
Rõ ràng, nói như Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: “Các mục tiêu, cam kết về tăng trưởng xanh đã rõ, nhưng chúng ta cần tìm ra cách làm phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam. Không có giải pháp cụ thể thì mục tiêu tăng trưởng xanh chỉ nằm trên giấy”. Và đó phải là công việc cần phải làm ngay, làm quyết liệt, bởi kinh tế xanh, phát triển xanh là con đường rộng mở và tất yếu mà thế giới đã, đang đi, Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, cũng phải tiếp bước vững vàng trên hành trình mới đó.
Nguyễn Hà