Tham dự sự kiện có ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Pradeep Kurukulasuriya – Giám đốc toàn cầu về tài chính môi trường, tự nhiên, biến đổi khí hậu và năng lượng, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), ông Kevin Horsburgh – Giám đốc khoa học khí hậu, Quỹ khí hậu xanh (GCF).
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Tăng Thế Cường dẫn lời Tổng Thư ký Liên hợp quốc cảnh báo thế giới đang bước vào kỷ nguyên nung sôi toàn cầu. Thiên tai và thời tiết cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu, đang tác động nghiêm trọng đến nhiều quốc gia, cộng đồng dân cư với quy mô và mức độ chưa từng thấy.
Với đặc điểm địa lý có bờ biển dài, nằm trong vành đai bão nhiệt đới Tây Thái Bình Dương, những năm qua, Việt Nam đã ghi nhận 20/21 loại hình thiên tai xảy ra trên phạm vi cả nước, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt với các nhóm dễ bị tổn thương. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn 2011-2022, thiệt hại về kinh tế do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tại Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD.
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 20214-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên về nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng.
Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều thách thức đang phải đối mặt đó là thiếu hụt về nguồn lực tài chính, trình độ, kinh nghiệm, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu cấp bách. Theo ước tính, nhu cầu tài chính cho thích ứng biến đổi khí hậu của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 lên đến 100 tỷ đô la Mỹ. Việt Nam mong muốn hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác tác đa phương với các đối tác phát triển, tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là UNDP và Quỹ Khí hậu xanh (GCF); để triển khai các giải pháp, nhiệm vụ hướng tới mục tiêu thích ứng toàn cầu.
Ông Tăng Thế Cường cũng thông báo Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đang hợp tác triển khai thực hiện Dự án 1 triệu ha lúa phát thải thấp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi được coi là một trong những đồng bằng chịu tác động nặng nề nhất do nước biển dâng, biến đổi khí hậu.
Đại diện UNDP, ông Pradeep Kurukulasuriya ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những hành động rất cụ thể đặc biệt là những hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai rộng rãi tới đông đảo người dân, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương. UNDP khẳng định sẽ luôn ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn lực tài chính, hỗ trợ của quốc tế để triển khai các giải pháp hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Ấn tượng với những kết quả mà Việt Nam đạt được trong 2 năm qua, kể từ sau COP26, ông Kevin Horsburgh, Giám đốc Khoa học khí hậu, Quỹ khí hậu xanh cho biết, Quỹ này sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia trong đó có Việt Nam tăng cường khả năng phối hợp giữa các bên, tập trung vào các hoạt động thí điểm cùng với việc tạo ra các nguồn tài chính giúp triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bà Phạm Thị Cẩm Nhung, Đại diện Nhóm công tác về biến đổi khí hậu (CCWG) kiến nghị rằng, trong thời gian tới, các chính sách của Việt Nam về biến đổi khí hậu cần tiếp tục chú trọng lồng nghép giới, nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực này và cần phải có thêm các nguồn tài chính để hỗ trợ phụ nữ để không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo ông Tăng Thế Cường, những ý kiến đóng góp sẽ giúp Việt Nam có những giải pháp đúng đắn để tăng cường hiệu quả thực hiện các hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ông Cường cũng kỳ vọng các đối tác quốc tế sẽ dành nhiều nguồn lực ưu đãi cho thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam thu hút sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.