Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vừa ký kết Thỏa thuận hợp tác với Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào giai đoạn 2024 – 2028. Thỏa thuận được ký kết nhân chuyến thăm và làm việc tại Lào từ ngày 25-28/6 của Đoàn cán bộ lãnh đạo, quản lý Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh do GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện làm trưởng đoàn.
Việt Nam – Lào trao đổi kinh nghiệm công tác vận động quần chúng
|
Tăng cường hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho Đảng, Nhà nước Lào
|
Nội dung thỏa thuận tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu khoa học, trao đổi đoàn, trao đổi thông tin, tư liệu giữa hai Học viện. Cụ thể như: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng và Nhà nước Lào; cử chuyên gia sang giảng dạy một số chuyên ngành và báo cáo chuyên đề khoa học, bao gồm cả giảng dạy cao học, nghiên cứu sinh; mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn tại Việt Nam cho cán bộ, giảng viên đang công tác tại Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào và các trường Chính trị và Hành chính các tỉnh của Lào.
Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào đảm nhận đào tạo sau đại học và nâng cao trình độ tiếng Lào cho cán bộ của phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào phối hợp hoàn thành Dự án xây dựng Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào khu vực phía Nam tại tỉnh Champasak. Hai bên luân phiên phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế định kỳ 2 năm một lần; phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khoa học kinh tế và xã hội quốc gia Lào tổ chức hội thảo khoa học 4 bên theo chế độ luân phiên…
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2024 – 2028. (Ảnh: hcma.vn) |
Cũng trong chuyến thăm này, Đoàn đã tham dự hội thảo khoa học quốc tế “Bài học kinh nghiệm qua 40 năm đổi mới và phát triển ở Lào và Việt Nam” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, Viện Khoa học kinh tế và xã hội quốc gia Lào phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi đánh giá, sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam và Lào đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, mang ý nghĩa lịch sử. Cả hai nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng. Kinh tế tăng trưởng cao và ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa, xã hội có bước phát triển mới; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được củng cố; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cả Việt Nam và Lào đang gặp một số khó khăn, thách thức như: chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp, thiếu bền vững; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; hiệu quả và năng lực của nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế; môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm. Công tác quản lý, điều tiết thị trường còn nhiều bất cập; xu hướng già hóa dân số nhanh; khoảng cách giàu nghèo gia tăng; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn chế; văn hoá, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi thủ đoạn để can thiệp, chống phá, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội…
Do vậy, việc tổng kết 40 năm đổi mới nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế của công cuộc đổi mới; chỉ ra nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế đó; phân tích, dự báo bối cảnh mới, xác định rõ những thời cơ, thách thức đối với việc tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời cung cấp những luận cứ khoa học xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; đề xuất những quan điểm, giải pháp trọng tâm, đột phá để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước ở Việt Nam và Lào trong thời kỳ mới.
GS.TS Lê Văn Lợi cho biết: Hội thảo là diễn đàn học thuật quan trọng, có ý nghĩa, diễn ra trong bối cảnh Lào và Việt Nam đang thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu tổng kết thực tiễn của hai đất nước nhằm cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho quá trình biên soạn các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kết thúc hội thảo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận nhiệm vụ đăng cai tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế bốn bên năm 2025.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/viet-nam-hop-tac-dao-tao-boi-duong-can-bo-cho-dang-va-nha-nuoc-lao-201641.html