Dẫn thông tin từ Cục Thực vật (Bureau of Plant Industry) – Bộ Nông nghiệp Philippines, Thương vụ Việt Nam tại thị trường này cho biết, nhập khẩu gạo của Philippines đạt gần 2 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm 2024, cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ 2023.
Cụ thể, tính từ đầu năm 2024 đến 23/5/2024, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines tăng 20,3% so với 5 tháng đầu năm 2023, đạt mức 1,97 triệu tấn, cao hơn khá nhiều so với mức nhập khẩu 1,64 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm 2023.
Cũng trong 5 tháng đầu năm, Cục Thực vật đã cấp 4.066 giấy phép thông quan nhập khẩu gạo cho các doanh nghiệp nhập khẩu.
5 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines với 1,44 triệu tấn, chiếm 72,9% trong tổng số gạo nhập khẩu của Philippines. Ảnh minh họa |
Đối với hợp tác thương mại gạo với Việt Nam, 5 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines với 1,44 triệu tấn, chiếm 72,9% trong tổng số gạo nhập khẩu của Philippines. Đứng thứ hai là Thái Lan xuất khẩu sang Philippines đạt 300.227,24 tấn, tiếp theo là Parkistan đạt 144.834,50 tấn, Myanmar đạt 65.080 tấn. Phần còn lại nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Ý và Tây Ba Nha.
Năm 2023, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt 3,6 triệu tấn, giảm 5,9% so với mức kỷ lục năm 2022 đạt 3,82 triệu tấn. Năm 2024, dự tính tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt khoảng 4 triệu tấn.
Theo thông tin của một số doanh nghiệp, thị trường Philippines khá ưa chuộng các loại gạo Đt8 và 5451 của Việt Nam do mềm cơm. Hiện nay gạo của Việt Nam thống lĩnh tại khu vực Metro Manila, khu vực các tỉnh phía Nam do gạo của Việt Nam ngon cơm và giá cả phù hợp.
Ông Phùng Văn Thành – Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại thị trường Philipines cho biết, gạo của Việt Nam có phẩm cấp chất lượng vừa phải, phù hợp với thị hiếu, thói quen tiêu dùng và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân Philippines, từ số lượng lớn dân số có thu nhập trung bình và thấp cho đến các tầng lớp giàu có, giá cả phải chăng nên có tính cạnh tranh.
Không những vậy, nguồn cung gạo Việt Nam ổn định cả về số lượng và giá cả, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines. Khoảng cách địa lý gần nên chi phí thấp và thuận tiện trong chuyên chở.
Ngoài ra, Tham tán Thương mại Phùng Văn Thành cũng cho biết, gạo Việt Nam cũng tận dụng được ưu thế trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai bên tham gia, như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP)… trong khi các đối tác ngoài ASEAN của Philippines (như Ấn Độ, Pakistan) không có.
Trong những tháng còn lại của năm 2024 và những năm tiếp theo, để hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines bền vững, ông Phùng Văn Thành khuyến nghị, Philippines trong những năm gần đây luôn là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam, vì vậy Thương vụ kiến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước, bên cạnh tranh thủ những cơ hội mới ở những thị trường mới, cũng vẫn cần phải luôn quan tâm duy trì đảm bảo vị thế số một xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines. Bởi hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam.
Cùng đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tiếp tục phối hợp tốt với Bộ Công Thương, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Philippines để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam. Tiếp tục giữ vững và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm gạo xuất khẩu qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với mặt hàng gạo vào thị trường Philippines.
Ngoài ra, đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không chỉ quá tập trung vào các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao, mà còn cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình, chất lượng thấp hơn để phục vụ cho một số lượng lớn người dân có thu nhập trung bình và thấp.
Nguồn: https://congthuong.vn/viet-nam-duy-tri-la-doi-tac-xuat-khau-gao-lon-nhat-cua-philippines-324047.html