‘Trăng mới’ được xem là giai đoạn vô hình của mặt trăng trên bầu trời. Nhiều người yêu thiên văn Việt Nam tận dụng ngày này để làm những điều thú vị.
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), thời điểm “trăng mới” hay trăng non, mặt trăng sẽ nằm ở cùng phía của trái đất với mặt trời và sẽ không nhìn thấy được trên bầu trời đêm. Giai đoạn này xảy ra mới đây 3.10, lúc 1 giờ 51 (giờ Việt Nam). Đây là thời điểm tốt nhất trong tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà, cụm sao vì không có ánh trăng cản trở.
Trang Space.com cho biết vào giai đoạn “trăng mới” hay trăng non, độ sáng của mặt trăng là 0% và dần dần qua nhiều pha mặt trăng (tuần trăng), sẽ phát triển đến giai đoạn trăng tròn, khi độ sáng của mặt trăng là 100%.
Các pha của mặt trăng cho thấy sự trôi qua của thời gian trên bầu trời đêm. Một số đêm khi chúng ta nhìn lên mặt trăng, nó tròn và sáng. Đôi khi nó chỉ là một vệt sáng bạc. Theo chuyên gia, những thay đổi về “vẻ ngoài” này chính là các pha của mặt trăng. Khi mặt trăng quay quanh trái đất, nó trải qua tám pha riêng biệt.
Sự khác biệt giữa trăng tròn và trăng non là gì?
Trăng non là cách gọi về “giai đoạn vô hình của mặt trăng”, theo NASA, vì mặt được chiếu sáng của mặt trăng hướng ra xa trái đất, hướng về phía mặt trời. Mặt trăng cũng ở trên bầu trời vào ban ngày và nếu không có mặt hướng về trái đất được mặt trời chiếu sáng, người quan sát không thể nhìn thấy nó.
Theo Space.com, sự khác biệt đáng kể nằm ở tỷ lệ chiếu sáng của mặt hướng về trái đất. Trong pha trăng non, tỷ lệ này là 0% và trở thành 100% vào trăng tròn, khoảng 14 ngày sau đó.
Các pha của mặt trăng cho thấy sự trôi qua của thời gian trên bầu trời đêm
ẢNH: HUY HYUNH
Nhờ sự lặp lại đều đặn của những khoảnh khắc này, từ thời xa xưa, các pha mặt trăng đã trở thành cơ sở của lịch âm dương. Tuy nhiên, rất khó để xác định thời điểm chính xác của trăng non, do đó, nhiều nền văn minh cổ đại đã bắt đầu tháng âm lịch bằng sự xuất hiện của lưỡi liềm đầu tiên sau khi mặt trời lặn.
Những ngày cuối cùng để ngắm sao chổi đầu tháng 10
Giai đoạn trăng mới này, nhiều người yêu thiên văn Việt Nam dành thời gian để quan sát sao chổi C/2023 A3, trước khi nó biến mất tạm thời trên bầu trời buổi sáng. Nhưng rất nhanh sau đó, nó sẽ trở lại bầu trời buổi chiều từ sau ngày 13.10 với một màn trình diễn ấn tượng hơn.
Ngày 3.10: Mặc dù độ sáng vẫn tiếp tục tăng lên, tuy nhiên, thời điểm này, việc quan sát C/2023 A3 đã khó khăn hơn nhiều khi nó không nằm cao quá 9,5° so với đường chân trời trước khi mặt trời mọc. Nó sẽ mọc lên từ sau 4 giờ 40 phút sáng ở hướng đông. Lúc này, sao chổi ở cách trái đất 0,686 AU và đang trên hành trình tiếp cận gần hơn tới hành tinh của chúng ta.
Ngày 4.10: C/2023 A3 sẽ di chuyển sang khu vực của chòm sao Virgo (Xử Nữ) vào cuối ngày 4.10. Do vậy, vào buổi sáng ngày này, bạn sẽ tìm thấy nó ở gần “biên giới” giữa hai chòm sao Virgo và Leo. Nó sẽ cao khoảng 8,5° so với đường chân trời cùng độ sáng biểu kiến là 2,5. Thực tế, với điều kiện quan sát ở sát đường chân trời, một vật thể có thể mờ hơn từ 2 tới 3 cấp sao, do vậy, sử dụng một chiếc ống nhòm đi kèm sẽ giúp bạn tìm ra sao chổi này dễ dàng hơn.
Ngày 5.10: Chỉ cao vỏn vẹn 6°, C/2023 A3 gần như bị nhấn chìm hoàn toàn trong ánh sáng ngày mới và chỉ có thể nhìn thấy thoáng qua nếu bạn sử dụng ống nhòm hoặc kính thiên văn hướng về phía gần sát đường chân trời. Tuy nhiên, nếu đúng theo dự đoán, đây là thời gian sao chổi này bắt đầu sáng lên nhanh chóng khi độ sáng được tăng cường bởi hiệu ứng tán xạ thuận.
Ngày 6.10: Mọc lên từ sau 5 giờ sáng, nghĩa là bạn chỉ có khoảng 15 – 20 phút để quan sát trước khi bình minh tới, C/2023 A3 chính thức nói lời tạm biệt với người quan sát tại Việt Nam trên bầu trời buổi sáng.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/viet-nam-don-trang-moi-thang-10-co-gi-thu-vi-18524100217334394.htm