Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề xuất Việt Nam đăng cai APEC 2027 và nhận được ủng hộ của nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên.
Đề xuất đăng cai các hoạt động của Năm APEC 2027 được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đưa ra khi dự hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30, tại thành phố San Francisco, ngày 17/11. Điều này thể hiện mong muốn đóng góp của Việt Nam cho tiến trình phát triển của APEC.
Theo Chủ tịch nước, APEC là diễn đàn hợp tác và liên kết hàng đầu khu vực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Ông nêu bài học rút ra từ thành công của APEC, gồm sự cởi mở và thiện chí của tất cả các bên để thấu hiểu và vượt qua khác biệt, tìm tiếng nói chung và thúc đẩy các lợi ích chung. Cùng đó, tầm nhìn, tư duy chiến lược của các thế hệ lãnh đạo, cũng như sự đồng hành của doanh nghiệp, người dân đã định vị đúng vai trò của châu Á – Thái Bình Dương.
Các nhà lãnh đạo APEC đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ đề xuất này của Việt Nam, nhất trí đưa vào Tuyên bố chung của hội nghị, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao hôm nay.
Trước đó, Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị cấp cao APEC Hà Nội năm 2006 và Đà Nẵng năm 2017.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, APEC cần duy trì, củng cố thành tựu quan trọng về tự do hóa, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư tại châu Á – Thái Bình Dương và toàn cầu. Các nền kinh tế thành viên cũng cần tận dụng cơ hội phát triển trong lĩnh vực như kết cấu hạ tầng, phát triển nhân lực, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nhằm thúc đẩy động lực tăng trưởng, và nâng cao năng lực, khả năng tự chủ, sáng tạo.
“Hơn lúc nào hết, các thành viên APEC cần cởi mở, chân thành, đối thoại có tính xây dựng để gia tăng hiểu biết, thu hẹp khác biệt và tạo đồng thuận”, Chủ tịch nước nêu.
Các nhà lãnh đạo chia sẻ đánh giá về tình hình kinh tế thế giới, những thách thức và cơ hội đang đặt ra với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Về hợp tác thương mại, đầu tư và kết nối, các nhà lãnh đạo cam kết thúc đẩy môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, minh bạch, bao trùm, duy trì các thị trường mở và giải quyết các đứt gãy của chuỗi cung ứng. APEC tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ với vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hội nghị đã thông qua các nguyên tắc lớn về chuyển đổi năng lượng công bằng và an ninh lương thực trong hợp tác APEC. Các nhà lãnh đạo nhất trí thông qua tuyên bố Cổng vàng “Tạo dựng một tương lai bền vững và tự cường cho mọi người dân”.
Các nhà lãnh đạo thành viên APEC sẽ gặp lại nhau tại Hội nghị cấp cao 2024 tại Peru và Hàn Quốc vào 2025.
APEC hiện là cơ chế hợp tác và liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương, chiếm 38% dân số, 62% GDP và gần 50% thương mại thế giới.
Trong 25 năm qua, Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất đề xuất các sáng kiến, dự án hợp tác, với gần 150 dự án trên các lĩnh vực từ phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy thương mại điện tử, an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu. Các sáng kiến, dự án này thúc đẩy hợp tác APEC phù hợp với quan tâm và lợi ích của các thành viên, và phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Vnexpress.net