Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của IAEA với Việt Nam trong nhiều năm qua thông qua các cơ chế hợp tác song phương và đa phương, trong đó, riêng giai đoạn 2018-2023, IAEA đã trực tiếp hỗ trợ Việt Nam 17 dự án quốc gia với tổng kinh phí gần 3 triệu euro.
Phó Thủ tướng cảm ơn IAEA cũng như cá nhân ông Hua Liu đã thúc đẩy việc ký kết Chương trình khung hợp tác giữa Việt Nam và IAEA giai đoạn 2022-2027 và hỗ trợ Việt Nam sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử; mong muốn IAEA tiếp tục hợp tác với Việt Nam, nhất là trong xây dựng chính sách, đào tạo nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
“Việt Nam cam kết thực hiện nghĩa vụ và đóng góp có trách nhiệm đối với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt liên quan đến kiểm soát an toàn, an ninh, chống buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, qua đó đóng góp vào nỗ lực của IAEA nhằm giải quyết các vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và thúc đẩy ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hoà bình”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Việt Nam luôn ủng hộ vai trò trung tâm, dẫn dắt của IAEA trong việc định hình các tiêu chuẩn và khuôn khổ về an toàn, an ninh hạt nhân, đặc biệt là đối với các công nghệ hạt nhân mới nổi.
Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của IAEA, Việt Nam từng đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2013-2014, thành viên Hội đồng Thống đốc trong 5 nhiệm kỳ gần nhất; phối hợp có hiệu quả với IAEA trong việc thực hiện các hoạt động thanh sát hạt nhân tại Việt Nam; tham gia nhóm Task Force của IAEA giám sát hoạt động xả chất phóng xạ đã qua xử lý tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản, đóng góp kinh phí cho Phòng thí nghiệm của IAEA tại Seibersdorf.
Phó Tổng Giám đốc IAEA Hua Liu cho hay, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông đã có những cuộc gặp đạt được nhiều kết quả bổ ích với lãnh đạo các Bộ Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế của Việt Nam.
“IAEA đã nhiều lần hoan nghênh vai trò tiên phong của Việt Nam trong hợp tác tiểu vùng, đặc biệt là trong mô hình hợp tác ba bên giữa Việt Nam với Lào và Campuchia trong ứng dụng khoa học và kỹ thuật hạt nhân trong các ngành kinh tế-kỹ thuật”, Phó Tổng Giám đốc IAEA nhấn mạnh.
IAEA sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam, nhất là trong hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nâng cao năng lực, cải thiện cơ sở hạ tầng, hoàn thiện quy định, quy chuẩn bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong phát triển nông nghiệp thông minh, ông Hua Liu khẳng định.
Ông Hua Liu cũng cho biết, hiện có nhiều quốc gia quan tâm phát triển điện hạt nhân, coi đây là nguồn năng lượng sạch trong cơ cấu điện của mình. Tại Hội nghị COP28 vừa qua, có hơn 20 quốc gia cho biết sẽ tăng gấp 3 lần sản lượng điện hạt nhân và sắp tới sẽ có hội nghị của các nhà lãnh đạo tại Brussels (Bỉ) để trao đổi về việc sử dụng năng lượng nguyên tử tại các quốc gia này.
“Sau sự cố Fukushima năm 2011, IAEA có nhiều nỗ lực cải thiện các quy định, quy chuẩn liên quan đến an toàn và việc sử dụng điện hạt nhân, cũng như thúc đẩy sự hỗ trợ, ủng hộ của người dân đối với việc sử dụng điện hạt nhân. Theo đó, ngày càng có thêm nhiều quốc gia chấp nhận sử dụng điện hạt nhân là phương án khả thi”, ông Hua Liu cho biết.