Đại diện Việt Nam cam kết tiếp tục tăng cường sự tham gia, đóng góp của phụ nữ Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hoà bình LHQ.
Đại biện Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu. |
Trong các ngày 13 và 19/3, tại New York – Hoa Kỳ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên thảo luận mở với chủ đề “Thúc đẩy ngăn ngừa xung đột – trao quyền cho phụ nữ và thanh niên” dưới sự chủ trì của Nhật Bản – nước Chủ tịch HĐBA tháng 3/2024.
Tham dự và phát biểu tại sự kiện có Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách chính trị và xây dựng hoà bình, đại diện một số tổ chức quốc tế, 15 thành viên HĐBA và gần 80 quốc gia thành viên khác của LHQ.
Phó Tổng thư ký Rosemary DiCarlo và các đại biểu nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của HĐBA trong việc ngăn ngừa xung đột; kêu gọi thực hiện hiệu quả Nghị quyết 1325 của HĐBA về phụ nữ, hoà bình và an ninh cũng như thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của thanh niên trong xây dựng hoà bình.
Nhiều ý kiến đánh giá cao “Chương trình nghị sự mới về hoà bình” của Tổng thư ký LHQ với trọng tâm dành cho ngăn ngừa xung đột; hoan nghênh vai trò của Ủy ban xây dựng hoà bình LHQ (PBC) trong thúc đẩy hợp tác giữa các các cơ quan LHQ, các tổ chức quốc tế, khu vực và các quốc gia nhằm ngăn chặn xung đột và duy trì hoà bình, an ninh bền vững.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biện Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ kêu gọi HĐBA có cách tiếp cận toàn diện, bao trùm và đặt người dân ở vị trí trung tâm; chú trọng giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột nhằm thoát khỏi vòng luẩn quẩn của tình trạng kém phát triển, bất bình đẳng, bất công và bạo lực.
Đại diện Việt Nam cũng cho rằng HĐBA cần khai thác hiệu quả hơn các công cụ sẵn có như ngoại giao phòng ngừa, hòa giải, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ; ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho các nỗ lực xây dựng lòng tin, các cơ chế cảnh báo sớm.
Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao quyền cho phụ nữ trong ngăn ngừa xung đột; khẳng định Việt Nam đã thực hiện các bước đi cụ thể nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo và sự tham gia của phụ nữ ở tất cả các cấp quản lý; cam kết tiếp tục tăng cường sự tham gia, đóng góp của phụ nữ Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hoà bình LHQ; đồng thời coi việc giải quyết các vấn đề liên quan đến thanh niên như giáo dục, việc làm và phúc lợi là chìa khóa để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan, bạo lực cũng như nguy cơ xảy ra hoặc tái bùng phát xung đột.