Dân số Việt Nam sẽ sớm đạt 100 triệu người vào thời điểm tháng Tư. Dấu mốc này sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và là 1 trong 3 quốc gia khu vực Đông Nam Á có quy mô 100 triệu người.
Các chuyên gia cho rằng khi dân số đạt mốc 100 triệu dân là một cơ hội lớn để Việt Nam có thể nâng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực, tuy nhiên, đi kèm với đó cũng là không ít thách thức khi chất lượng dân số vẫn còn nhiều mục tiêu chưa đạt được.
100 triệu hy vọng
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam đánh giá thế giới đang thay đổi nhanh chóng và Việt Nam cũng không nên tụt lại phía sau. Dân số 100 triệu đồng nghĩa với việc Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn, khả năng thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn với nguồn lao động khỏe mạnh, có trình độ học vấn và tay nghề cao, tư duy đổi mới sáng tạo và động lực mạnh mẽ của đất nước.
[Việt Nam và cộng đồng quốc tế phối hợp giải quyết các vấn đề về dân số]
Do đó, Việt Nam cần phải nhận ra rằng 100 triệu người vào năm 2023 không chỉ là con số mà đó là tầm nhìn xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Bởi 100 triệu người dân Việt Nam chính là tượng trưng cho “100 triệu hy vọng, 100 triệu giấc mơ và 100 triệu giải pháp.”
Thống kê cho thấy Việt Nam hiện có tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử đất nước: 21% tổng dân số là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 24. Thời kì dân số vàng của Việt Nam sẽ còn tiếp diễn đến năm 2039 với sự hiện diện của các nhóm dân số trẻ có năng suất lao động cao đồng thời có thể khai thác lợi thế về cơ cấu dân số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của đất nước hơn nữa.
Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân), Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em cho rằng sự kiện chào đón công dân thứ 100 triệu sẽ là một dấu mốc quan trọng, ấn tượng của quốc gia.
Giáo sư Nguyễn Đình Cử phân tích nếu 100 triệu dân nhưng kinh tế không phát triển, trình độ dân trí thấp thì rất khó tiến lên. Nhưng nếu 100 triệu dân đặt trong bối cảnh kinh tế phát triển, trình độ dân trí cao thì lại là cơ hội phát triển rất lớn. Việt Nam là một thị trường lớn, đông dân, nhiều lao động (với hơn 50 triệu lao động), do đó có điều kiện để phát triển ngành kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, thúc đẩy phát triển cả công nghiệp và dịch vụ.
“Dân số đông, lực lượng dồi dào là một sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, về mặt thách thức thì 100 triệu dân cũng đặt ra vấn đề an ninh lương thực, năng lượng, nhất là khi diện tích đất đai bình quân đầu người thấp rồi biến đổi khí hậu… thì việc đảm bảo giáo dục có chất lượng, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường cho 100 triệu dân sẽ là bài toán không hề đơn giản,” Giáo sư Nguyễn Đình Cử chỉ rõ.
UNFPA cũng chỉ ra những thách thức đặt khi cả tỷ lệ tử vong và mức sinh đều giảm, Việt Nam sẽ sớm hoàn thành tiến trình quá độ dân số. Mọi người dân Việt Nam ngày nay được sống khỏe mạnh hơn và hưởng thọ cao hơn là một thành tựu quan trọng. Song, sự suy giảm tỷ lệ sinh và hạn chế mức sinh trong những thập kỉ vừa qua đang khiến cho dân số Việt Nam già đi nhanh chóng.
Phải lấy con người là giải pháp
Theo tính toán từ UNFPA, Việt Nam được dự báo sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 khi số người từ 65 tuổi trở lên đạt 15,5 triệu, chiếm hơn 14% tổng số dân. Ngoài ra, do tâm lý ưa thích có con trai vẫn còn phổ biến trong xã hội Việt Nam cùng với mức sinh giảm và hạn chế số con cũng như các công nghệ sẵn có nên thực hành lựa chọn giới tính trước sinh đang diễn ra phổ biến, ước tính khoảng 47.000 trẻ em gái bị thiếu hụt mỗi năm. Dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này sẽ lên đến 2,5 triệu người vào năm 2059.
UNFPA nêu rõ trong công tác dân số, cần nhấn mạnh việc con người là giải pháp, không phải là vấn đề. Vấn đề không nằm ở số lượng người nhiều hơn hay ít hơn, mà là đảm bảo tất cả mọi người được tiếp cận các cơ hội một cách bình đẳng hơn.
Do vậy, UNFPA kiến nghị Việt Nam cần có các bước đi thích hợp để mọi người dân phải được hỗ trợ thực hiện các quyền, trong đó có quyền đưa ra quyết định về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cũng như bình đẳng giới. Với tư cách là cơ quan bảo hộ của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) tổ chức năm 1994 mà Việt Nam đã tham gia, UNFPA khuyến nghị Việt Nam cần tuân thủ một cách đầy đủ những nguyên tắc của ICPD, theo đó các cá nhân và các cặp vợ chồng nên được tự do quyết định một cách có trách nhiệm về số lần sinh, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con.
Để làm được như vậy, tất cả các đơn vị có liên quan phải đảm bảo rằng mọi phụ nữ, mọi bà mẹ và mọi cặp vợ chồng đều có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản có chất lượng và các chính sách xã hội hỗ trợ trẻ em và có thể xem xét hỗ trợ nhà ở cho các cặp vợ chồng trẻ.
UNFPA khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đầu tư vào thanh thiếu niên thông qua các chính sách và chương trình y tế, giáo dục, cơ hội việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong kỉ nguyên mới và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong nước.
Cũng giống như các nước thu nhập trung bình khác trên thế giới, tình trạng bất bình đẳng và chênh lệch vẫn tồn tại trong nước, tỷ lệ tử vong mẹ và nhu cầu kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng vẫn cao hơn đáng kể trong nhóm dân tộc thiểu số, lao động nhập cư và thanh thiếu niên. Do đó, UNFPA cho rằng Việt Nam cần tăng cường các chính sách về dịch vụ liên quan đến sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản./.