Game là ngành cần được nuôi dưỡng để phát triển

Thời gian gần đây, câu chuyện phát triển ngành game tại Việt Nam thu hút được sự quan tâm của cộng đồng, nhất là sau khi Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành game. Trong cuộc họp báo tháng 4 của Bộ TT&TT được tổ chức mới đây, ông Lê Quang Tự Do, Cục Trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã một lần nữa khẳng định quan điểm của Bộ TT&TT là quản lý, thúc đẩy ngành game phát triển lành mạnh.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, game là ngành Việt Nam có tiềm năng phát triển, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Không phải là ngành chơi game như nhiều người lầm tưởng, mà đây là ngành có cả 1 hệ sinh thái gồm sản xuất, phát hành và các hoạt động liên quan đến game.

“Ở một số nước, game đã trở thành 1 ngành công nghiệp không khói chủ lực trong thời đại 4.0. Ngành game ở Việt Nam còn rất non trẻ, giá trị doanh thu còn rất nhỏ nên cần được nuôi dưỡng và có chính sách thúc đẩy phát triển”, ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.

<em>Theo ông Lê Quang Tự Do ngành game Việt Nam còn rất non trẻ giá trị doanh thu còn nhỏ nên cần được nuôi dưỡng và có chính sách thúc đẩy phát triển Ảnh Lê Anh Dũng<em>

Bộ TT&TT đã giao Cục Trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử xây dựng chiến lược phát triển ngành game. Trong kế hoạch của Bộ TT&TT, thời gian tới, bên cạnh việc phát triển ngành game với mục tiêu khuyến khích sản xuất và phát hành game do người Việt xây dựng, Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành game.

Trao đổi với VietNamNet, ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech cho rằng, cách đặt vấn đề của Bộ TT&TT về phát triển ngành game Việt Nam là đúng đắn, kịp thời và mang tính cách mạng.

Ông Chu Tuấn Anh phân tích, với ngành game, từ trước đến nay xã hội chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực, song thực tế ngành này đang có rất nhiều tác động tích cực như tạo ra nhiều cơ hội việc làm, mang lại thu nhập tốt cho các nhân sự trong ngành và góp phần tạo ra giá trị thương mại cho Việt Nam. “Cách đặt vấn đề cùng những định hướng chiến lược của Bộ TT&TT để phát triển ngành game sẽ góp phần để xã hội có nhận thức đúng và đầy đủ về ngành game”, ông Chu Tuấn Anh chia sẻ quan điểm.

Còn thiếu chương trình đào tạo bài bản về game

Bàn về vấn đề phát triển ngành game, đại diện Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), Tiến sĩ Cao Minh Thắng, Phó Viện trưởng Viện CNTT và Truyền thông nhận định, game sẽ có những đóng góp lớn với nền kinh tế Việt Nam và để ngành này đạt được các mục tiêu phát triển, đào tạo nhân lực là một trong những giải pháp quan trọng và căn cơ.

“Nguồn nhân lực vững vàng kiến thức chuyên môn sẽ giúp Việt Nam chủ động phát triển những game lành mạnh, hấp dẫn, không chỉ đem lại doanh thu, thu hút đầu tư từ nước ngoài mà còn quảng bá được văn hóa Việt Nam ra thế giới, Tiến sĩ Cao Minh Thắng phân tích.

<em>Đại diện Hệ thống lập trình viên quốc tế Aptech nhận định hiện Việt Nam còn thiếu vắng các chương trình đào tạo game bài bản<em>

Giám đốc Aptech cũng đồng thuận rằng phát triển nguồn nhân lực là bước đầu tiên, quan trọng và có ý nghĩa quyết định với sự bắt đầu và phát triển lâu dài của ngành game nước nhà.

Tuy vậy, theo ông Chu Tuấn Anh, hiện Việt Nam còn thiếu vắng các chương trình đào tạo game bài bản. Một chương trình game bài bản phải gồm có 3 yếu tố, đó là chương trình được xây dựng dựa trên nghiên cứu kỹ về thị trường game Việt Nam và thế giới; có đội ngũ chuyên gia trình độ tham gia giảng dạy; có dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp trong đó phải hỗ trợ, kết nối việc làm cho sinh viên.

Cũng vì thiếu những chương trình đào tạo bài bản về game, các doanh nghiệp làm game không thể tuyển dụng những nhân sự lập trình game biết bài bản từ đầu, họ buộc phải tuyển những lập trình viên biết các công nghệ khác và đào tạo lại. Thực tế này dẫn đến doanh nghiệp thiếu hụt nhân sự, tốn kém về thời gian, chi phí cho cả doanh nghiệp và xã hội.

Ông Chu Tuấn Anh thông tin thêm, nhận thấy tiềm năng phát triển ngành game Việt Nam, từ năm ngoái, Aptech đã ra mắt chương trình lập trình game trên toàn cầu và chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên để triển khai. Dù vậy, quá trình triển khai, đơn vị đã đối mặt với một số khó khăn, trong đó có việc do nhận thức của xã hội còn chưa đầy đủ và định kiến về game nên nhiều bạn trẻ còn e dè với ngành game.

Để tháo gỡ khó khăn trên, đại diện Aptech cho rằng cần tăng cường truyền thông để thay đổi nhận thức, làm sao để xã hội có hiểu biết đầy đủ về ngành game. Bên cạnh đó, từ phụ huynh, các bạn trẻ cũng phải chủ động tìm hiểu kỹ các cơ hội của ngành game. “Các bạn trẻ đừng sợ là người đi đầu. Hãy là những người tiên phong, những lập trình viên về game thế hệ đầu của Việt Nam và chỉ sau từ 5 – 10 năm nữa, sẽ là những trụ cột chính trong ngành công nghiệp game”, ông Chu Tuấn Anh đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ.

Vietnamnet