Chiều 9/11, tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 – Vietnam Investment Forum 2024 với chủ đề “Theo dấu Dòng tiền – Tracking the Cash flow”, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, từ đầu năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều biến động trong bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới có nhiều bất ổn. Song nhìn chung, trong xu hướng giảm điểm kể từ tháng 9, thanh khoản dần cải thiện trong nửa cuối năm.
Với vai trò là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, bà Tạ Thanh Bình cho biết, UBCKNN đang và sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Đặc biệt, hiện UBCKNN đang phối hợp với các tổ chức quốc tế và các Bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra, nhằm hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
"Chúng tôi đã gặp gỡ, làm việc với 2 tổ chức FTSE và MSCI, nhận thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đang có 2 khó khăn để đạt các tiêu chí là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài, các rào sản liên quan sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp. Song, chúng tôi đã trình bày giải pháp kỹ thuật với tổ chức đánh giá nâng hạng, được họ đánh giá cao, có thể thời gian tới sẽ có một số Thông tư, quy định hướng dẫn được ban hành để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý của thị trường, đáp ứng các quy định", bà Bình chia sẻ.
Bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Linh, Tổng Giám đốc CTCK VPBank ví von: "Nếu chúng ta hình dung quá trình nâng hạng thị trường như cuộc thi đường lên đỉnh Olympia, thì sẽ gồm 4 giai đoạn: khởi động, vượt chướng ngại vật, tăng tốc và về đích. Cá nhân tôi cho rằng chúng ta đang ở giai đoạn tăng tốc và về đích".
Theo ông Linh, việc nâng hạng thị trường chứng khoán hoàn toàn phụ thuộc vào tiến trình giải quyết các vấn đề vướng mắc mà FTSE và MSCI đề cập tới trong việc đánh giá, xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Giám đốc CTCK VPBank cho rằng, một trong những điều kiện quan trọng nhất mà cả FTSE hay MSCI đều nhắc đến đối với hạn chế của Việt Nam chính là việc quy định phải có tiền trước khi giao dịch (prefunding). Theo đó, Việt Nam yêu cầu nhà đầu tư chỉ được đặt lệnh khi có đủ tiền trên tài khoản, trong khi theo tiêu chí và thông lệ quốc tế, chỉ cần nhà đầu tư được công nhận là tổ chức tài chính, việc ký quỹ trước khi giao dịch là không cần thiết và họ chỉ yêu cầu có tiền ở thời điểm nhận cổ phiếu (T+2).
Vấn đề thứ 2 là Việt Nam cần đáp ứng liên quan đến yếu tố nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể về tỷ lệ sở hữu, mức độ minh bạch và bình đẳng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, những ngành nghề được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thường có room hạn chế, trong khi đó số lượng doanh nghiệp nới room lên 100% cũng không nhiều do bị hạn chế bởi các luật liên quan, và một phần do sự không đồng tình của cổ đông trong việc nới room.
Một vấn đề khác là thủ tục đăng ký cấp mới cho nhà đầu tư nước ngoài còn mất nhiều thời gian; các quy định, văn bản pháp lý về thị trường chứng khoán và công bố thông tin của doanh nghiệp bằng tiếng Anh còn hạn chế và chưa đạt chuẩn quốc tế IFRS về báo cáo tài chính.
"Với việc tích cực triển khai các hoạt động liên quan đến cải tổ thị trường, chúng tôi cho rằng Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng sớm nhất vào tháng 9/2024 theo các tiêu chí của FTSE, trước khi chính thức nâng hạng vào tháng 9/2025. Đối với MSCI, chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng trong kỳ đánh giá thường niên vào tháng 6/2025 khi những yếu tố liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài dần được giải quyết, và có thể được nâng hạng vào kỳ đánh giá tháng 6/2026", ông Linh nêu.
Ông Nguyễn Triệu Vinh, Phó Giám đốc đầu tư VCBF tin tưởng, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm xảy ra. "Vì xét về quy mô vốn hóa, quy mô thanh khoản thị trường chúng ta đều đạt hết rồi", ông Vinh nhận định.
Phó Giám đốc đầu tư VCBF cho rằng, khi thị trường chứng khoán được nâng hạng, dòng vốn vào Việt Nam sẽ tích cực, tốt cho nhiều thành phần trong thị trường, bao gồm công ty chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết.
Đối với công ty chứng khoán, khi vốn đầu tư nước ngoài vào, nhu cầu về dịch vụ chứng khoán sẽ tăng rất đáng kể. Đối với doanh nghiệp, khi dòng vốn mới vào, cầu về cổ phiếu sẽ tăng, tác động lên giá cổ phiếu và giá cổ phiếu có nhiều cơ hội được quay về giá trị thực. Khi giá cổ phiếu quay về giá trị thực, điều này sẽ tốt cho doanh nghiệp.
Đối với cổ đông sẽ gia tăng lợi ích cổ đông. Đối với doanh nghiệp khi thực hiện chính sách ESOP, giá cổ phiếu tăng, nhân viên sẽ hứng khởi hơn và gắn kết với công ty nhiều hơn.
Đối với doanh nghiệp, khi dòng vốn nước ngoài vào, có hai dòng vốn, một là từ các quỹ ETF (quỹ thụ động) và từ các quỹ chủ động. Đối với các quỹ chủ động, trước khi đầu tư, họ phải nghiên cứu rất nhiều về công ty và để nghiên cứu phải có thông tin về công ty.
Một trong sự chuẩn bị mà ông Vinh cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần làm đó là công tác IR phải nâng cao, đội ngũ IR phải nói tiếng Anh tốt, các tài liệu IR, báo cáo tài chính phải song ngữ tiếng Anh - tiếng Việt. Cùng với đó, công tác quản trị doanh nghiệp rất quan trọng. Bởi, nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào phải tin vào doanh nghiệp, phải tin vào ban lãnh đạo.
"Song, vì Việt Nam đang là thị trường cận biên. Khi chúng ta lên thị trường mới nổi, dòng vốn dành cho thị trường cận biên Việt Nam sẽ được phân bổ cho các thị trường khác, chúng ta không được hưởng toàn bộ phần vốn mới", ông Vinh đồng thời chỉ ra.
Nguồn
Bình luận (0)