Bà Lesley Miller – Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam – đánh giá Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ về thực hiện công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em với vị trí là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn công ước này, và Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc đầy đủ các báo cáo với Ủy ban quốc gia của Liên hợp quốc.
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trẻ em. Hội nghị có sự phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).
Bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng hơn 160 đại biểu của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, hiệp hội, chuyên gia và đại diện của 43 tỉnh, thành phố tham dự hội nghị.
Nhiều mô hình hỗ trợ thân thiện với trẻ em
Báo cáo Sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025, bà Nguyễn Thị Kim Hoa – Trưởng Phòng bảo vệ trẻ em, Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, từ năm 2020 đến hết tháng 9/2023, cả nước phát hiện 7.483 vụ, 8.788 đối tượng, xâm hại 7.883 trẻ em, trong đó số vụ xâm tình dục trẻ em chiếm trên 80%.
Sau 3 năm triển khai, việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em 2020-2025 đạt được các mục tiêu quan trọng.
Cụ thể, trên 50% trẻ em/học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi; khoảng 75% cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cộng tác viên, tình nguyện viên được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em; 100% cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em; 75% cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện được tăng cường năng lực y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em; khoảng 40% cán bộ công an làm công tác điều tra các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em được nâng cao năng lực thực hiện hoạt động điều tra thân thiện với trẻ em; 60% các tỉnh, thành phố thành lập Phòng điều tra thân thiện với trẻ em.
Theo báo cáo, hiện có 17 tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành quy chế, quy định quy trình phối hợp trong hỗ trợ, can thiệp, giải quyết đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại: TP.HCM, Vĩnh Long, Bình Dương, Hòa Bình, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Điện Biên, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Cà Mau, Quảng Nam, Kon Tum, Nghệ An.
Bên cạnh đó, mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đổi mới, sáng tạo, tiêu biểu cũng được triển khai tại nhiều tỉnh, thành như: Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên địa bàn TP.HCM; mô hình Ngôi nhà Ánh Dương ở các tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng.
Từ năm 2020 đến nay, Bộ Công an đã triển khai xây dựng 39 mô hình “Phòng điều tra thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật” ở 38 đơn vị và địa phương phục vụ quá trình xác minh, điều tra các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Đặc biệt, một số Công an địa phương ngoài mô hình Phòng điều tra thân thiện đã được Bộ Công an hỗ trợ xây dựng đã chủ động triển khai xây dựng mô hình tại cấp huyện. Tính đến quý I/2023, có trên 1.200 lượt sử dụng mô hình Phòng điều tra thân thiện trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi. Ngoài ra, công tác phối hợp liên ngành trong bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em được các bộ, ngành và địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện.
UNICEF đánh giá cao sự cam kết lâu dài của Chính phủ Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em
Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Lesley Miller đánh giá cao sự cam kết lâu dài của Chính phủ Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em, bà cho rằng các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các kế hoạch hành động cấp quốc gia minh chứng cho cam kết mạnh mẽ này.
Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ về thực hiện công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em với vị trí là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn công ước này, và Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc đầy đủ các báo cáo với Ủy ban quốc gia của Liên hợp quốc.
Tại hội nghị, đã có gần 30 tham luận, báo cáo được trình bày, trao đổi về các kết quả đạt được sau thời gian triển khai các Quyết định: Quyết định số 1437/QĐ-TTg phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025; Quyết định số 1438/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025; Quyết định số 1863/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 – 2025; Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2025; Quyết định số 55a/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh.
Nhiều kiến nghị, giải pháp để đạt được mục tiêu, kết quả, hiệu quả của các đề án, kế hoạch, chương trình về trẻ em đến năm 2025 và 2030 cũng được các đại biểu đề xuất.
Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, các bộ ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo và đại diện của gần 50 địa phương tham gia tại hội nghị, Cục Trẻ em sẽ thu thập thông tin, số liệu, tổng hợp báo cáo của các đơn vị để hoàn thiện báo cáo chất lượng, đánh giá lại kết quả thực hiện của 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trình lên các cấp có thẩm quyền và chia sẻ tới các địa phương để làm cơ sở để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em: Quyết định số 1437/QĐ-TTg phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025 Quyết định số 1438/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025 Quyết định số 1863/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 – 2025 Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2025 Quyết định số 55a/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh. |
Hải Anh