Từ lâu, Bản Lác vốn là địa danh nổi tiếng của thung lũng Mai Châu (Hòa Bình). Nơi đây là điểm dừng chân lý tưởng của du khách mỗi khi đặt chân đến mảnh đất Hòa Bình. Đứng trên đèo nhìn xuống, những nếp nhà sàn chìm trong màn sương mờ, ánh lửa bập bùng gợi lên sức sống của thung lũng, Bản Lác hiện ra trước mắt chúng tôi tuyệt đẹp, giữa bảng lảng mây trời.  

Vừa đến đầu Bản Lác, homestay Hùng Mếch đã cho người ra tận điểm đỗ xe đón chúng tôi. Người dân nơi đây từ lâu vẫn mến khách như thế. Trong lần gặp đầu tiên, chúng tôi đã cảm nhận được sự đôn hậu, mến khách và toát lên vẻ mộc mạc, giản dị của đồng bào dân tộc Thái.

Một góc Bản Lác. 

Chị Lò Thị Mếch (dân tộc Thái), chủ homestay kể rằng, cái tên “Bản Lác” có nghĩa là “Bản lạ”. Thế mà khi đặt chân đến xứ sở này, ai cũng cảm thấy gần gũi, ấm áp và thanh nhẹ về một bản du lịch cộng đồng giữa núi non Tây Bắc.

Bản Lác nằm ở trung tâm thung lũng Mai Châu. Nhìn xung quanh là núi non trùng điệp, hiểm trở. Đứng trên đèo nhìn xuống có thể quan sát được cả bản giống như một bức tranh tuyệt đẹp với những ngôi nhà sàn xinh xắn quần tụ quanh những con suối và cánh đồng lúa bát ngát. Chị Mếch kể rằng, Bản Lác là địa bàn sinh sống từ lâu đời của đồng bào Thái trắng. Người Thái ở đây sinh sống bằng nghề trồng lúa nước, trồng ngô, dệt vải và những năm gần đây, họ có thêm một nghề để làm giàu, làm đẹp cho xứ sở, đó là cả bản làm du lịch cộng đồng.

Chẳng thế mà đi dọc những con đường vào bản, vào làng, đâu đâu cũng nhuốm màu sắc thổ cẩm, nhà ai cũng có khung cửi để dệt vải, mở cửa hàng để bán sản phẩm lưu niệm. Điều đặc biệt ở Bản Lác là vì cả bản, nhà nào cũng làm du lịch cộng đồng nên ngôi nhà sàn nào cũng được đánh số và được thiết kế, sử dụng theo kiểu du lịch cộng đồng.

Sàn trên dùng làm chỗ nghỉ cho khách, còn sàn dưới dùng để phục vụ ăn uống cho khách. Vì thế, vào những ngày cuối tuần, buổi tối, bản nhà sàn ở Bản Lác đông vui, tấp nập, rực rỡ ánh sáng. Thi vị hơn khi có những đội văn nghệ của bản đến góp vui bằng những điệu múa xòe Thái tuyệt vời.  

Đêm đầu tiên, chúng tôi đã hòa điệu cùng đồng bào Thái bên đống lửa trại ở sân vận động. Nhạc điệu, lửa đuốc, lời hát cùng hòa nhịp tạo nên chất men say trong lòng người. Bên bếp lửa bập bùng dưới chân nhà sàn, những ống cơm lam dẻo thơm được đồng bào Thái chế biến và nướng mời du khách thưởng thức.

Nhìn những người phụ nữ dân tộc Thái đồ xôi, nướng cơm lam, chúng tôi chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Quang Dũng: Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi. Hình như cái dư vị thơm nồng của nếp, cái ấm áp của tình người đã có ở nơi đây tự bao giờ.

Ông Vi Văn Bằng, dân tộc Thái, trưởng thôn Bản Lác chia sẻ: “Những năm gần đây, Bản Lác đã và đang phát huy các tiềm năng về du lịch cộng đồng, tạo sức hút đối với du khách mọi miền. Địa phương chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa và tạo không gian trải nghiệm thân thiện đối với du khách”.

Anh Vy Ngọc Anh (Na Hang, Tuyên Quang) cho biết: “Bản Lác và thung lũng Mai Châu đã có sức hút đối với du khách chúng tôi. Dừng chân nơi đây, con người như được hòa mình vào không gian văn hóa của du lịch cộng đồng vừa thân thiện, vừa hấp dẫn với bao điều khám phá”.

Phía xa xa là những triền núi đá uốn lượn, bao bọc quanh bản làng gợi lên vẻ đẹp hùng vĩ và vững chắc. Chiều về, những đám mây sà xuống thung lũng Bản Lác khiến cho không gian trở nên bồng bềnh hư ảo. Mây như choàng xuống Bản Lác chiếc áo tơ mỏng manh với những sợi mây mềm mại, vương vất làm cho không gian bản làng thêm thơ mộng, huyền ảo.

Bản Lác đậm màu sắc Tây Bắc, một không gian chất chứa biết bao điều thi vị về xứ sở Mai Châu từng đi vào lịch sử, thơ ca, âm nhạc. Dừng chân nơi đây dù chỉ một lần mà không muốn về. Cảnh và người nơi đây hữu tình, lắng đọng trong cảm xúc của người phương xa. Nơi đây như cất lên lời hẹn hò, mời gọi đến ngọt ngào.

NGUYỄN THẾ LƯỢNG