(MPI) – Trên đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Lễ khai mạc “Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024” và Diễn đàn “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”. Sự kiện diễn ra sáng ngày 07/11/2024 tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cơ sơ Hòa Lạc.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: MPI |
Tham dự buổi Lễ có ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, ông Lê Tiến Châu, Bí thư thành ủy Hải Phòng, ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm và đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành trung ương và địa phương.
Dự buổi Lễ còn có ông KC Ang, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Khu vực Đông Nam Á của SEMI, Chủ tịch khu vực châu Á, Global Foundries; Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á; Bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Campuchia và Lào; cùng đại diện các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, hiệp hội, viện nghiên cứu, các trường Đại học; các quỹ đầu tư, các tập đoàn, doanh nghiệp; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các thành viên Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI).
Đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 – SEMIExpo Viet Nam 2024 là một sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực được coi là “trái tim” của công nghệ hiện đại và là nền tảng cho nền kinh tế số.
Triển lãm do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Hiệp hội Bán dẫn Toàn cầu (SEMI) đồng tổ chức, với sự tham gia của hơn 5.000 đại biểu và 100 gian hàng đến từ các đối tác công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn như Cadence, Qualcomm, Intel, Qorvo, Dassault Systemes, Siemens, Tektronix, FPT, Viettel… cùng sự tham gia đông đảo của các thành phần trong hệ sinh thái bán dẫn như các viện nghiên cứu, trường đại học, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia trong nước, ngoài nước trong lĩnh vực bán dẫn…
Triển lãm và nhiều hội thảo, hoạt động bên lề trong khuôn khổ Triển lãm sẽ là dịp để kết nối giữa Việt Nam với thế giới trong lĩnh vực bán dẫn; giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, môi trường đầu tư của Việt Nam cho các doanh nghiệp bán dẫn thế giới; mở ra cơ hội cho Việt Nam tham gia các công đoạn của ngành công nghiệp này; thể hiện rõ tinh thần hợp tác và sự đồng hành của cộng đồng bán dẫn thế giới với sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, cùng nhau hướng đến một tương lai phát triển nhanh và bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là nền tảng của công nghệ hiện đại, mà hơn thế nữa, còn là yếu tố cốt lõi quyết định đến sức mạnh của nền kinh tế số, quyết định đến sự phát triển của các ngành công nghệ đột phá, từ trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) đến tự động hóa. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp về địa chính trị thế giới đã thúc đẩy các quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm nguồn cung ứng linh kiện một cách ổn định và bền vững hơn.
Việt Nam với lợi thế lớn là quốc gia có nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng tốt liên tục trong nhiều năm, có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có đam mê sáng tạo đang là điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn. Nhận thức rõ về cơ hội này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu vào năm 2030 và trung tâm về công nghiệp bán dẫn và điện tử toàn cầu đến năm 2040.
“Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tiên tiến, hấp dẫn của khu vực và thế giới, giúp Việt Nam tự chủ và phát triển bền vững trong lĩnh vực này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Hình ảnh tại buổi Lễ. Ảnh: MPI |
Phát huy thế mạnh đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong kỷ nguyên mới
Chính phủ Việt Nam đã xác định phát huy thế mạnh văn hóa và con người Việt Nam để trở thành đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, 1.300 giảng viên được đào tạo chuyên sâu về bán dẫn, xây dựng các phòng thí nghiệm cấp quốc gia và cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan; đã đồng hành cùng các doanh nghiệp, các trường đại học hàng đầu trong nước và quốc tế để đưa các chương trình đào tạo và phần mềm hiện đại nhất vào giảng dạy, đặc biệt trong các lĩnh vực như thiết kế vi mạch, kiểm thử và đóng gói.
Trong quá trình triển khai, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cũng đã hợp tác chặt chẽ và tập hợp được sự tham gia, hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn như Cadence, Synosyps, Qorvo, Siemens, Marvell, ARM, Samsung… Chúng tôi cũng rất vui mừng khi nhiều doanh nghiệp tiêu biểu khác trong Hiệp hội bán dẫn toàn cầu tham gia sự kiện này cũng đã tiến hành trao đổi, thống nhất những kế hoạch hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để triển khai Chương trình trong thời gian sắp tới.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại học bang Arizona khởi động và triển khai chương trình tại Việt Nam, với mục tiêu đào tạo hơn 4.000 kỹ sư đóng gói, kiểm thử vi mạch từ nay đến hết năm 2025. Đồng thời, Việt Nam cũng đang tích cực hợp tác với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, châu Âu… để cùng đào tạo nhân lực, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng rằng, với nền tảng đào tạo trình độ cao và sự tham gia của các đối tác uy tín, mỗi sinh viên, mỗi kỹ sư sẽ là một viên gạch xây dựng nên tòa nhà công nghiệp bán dẫn Việt Nam vững chắc.
Toàn cảnh buổi Lễ. Ảnh: MPI |
Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Thứ nhất là, Việt Nam có nền chính trị ổn định và quyết tâm mạnh mẽ từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ tiên tiến. Đảng, Chính phủ nhận thức rõ, Việt Nam hiện đứng ở một thời điểm quan trọng cho sự chuyển đổi hướng tới nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Việt Nam ưu tiên lựa chọn khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược nhằm phát triển nhanh, bền vững, trong đó phát triển công nghiệp bán dẫn đóng vai trò quan trọng, nhằm hiện thực hóa các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa Việt Nam sớm bắt kịp, tiến cùng và vượt lên so với các quốc gia phát triển trên thế giới.
Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban thể hiện sự đồng hành của người đứng đầu Chính phủ trong phát triển công nghiệp bán dẫn.
Thứ hai là, với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam đang trong giai đoạn “dân số vàng” có nguồn nhân lực trẻ đầy nhiệt huyết, năng động, khát vọng cống hiến, khả năng tiếp cận nhanh với các ngành khoa học, công nghệ và STEM, là nguồn nhân lực và thị trường đầy tiềm năng cho các ngành công nghệ cao. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang đặt yêu cầu cao về chuyển đổi số toàn diện trong mọi ngành, lĩnh vực. Do đó, Việt Nam cũng đang là một “khách hàng, đối tác” lớn của các tập đoàn công nghệ trên thế giới như Google, Meta, Amazone với thị phần không ngừng mở rộng.
Thứ ba là, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn với sự tham gia của nhiều đối tác và doanh nghiệp công nghệ cao. Thông qua việc mở rộng quan hệ với các đối tác bán dẫn uy tín trên thế giới, Việt Nam đã và đang thực hiện phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, luôn đồng hành cùng các đối tác, doanh nghiệp để từng bước khẳng định được vị trí trong bản đồ bán dẫn thế giới. Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia, nền kinh tế có nền công nghiệp bán dẫn phát triển nhằm học hỏi những kinh nghiệm quý báu và đón nhận những tiến bộ công nghệ mới nhất. Theo đó, Chính phủ Hoa Kỳ đã lựa chọn Việt Nam là một trong 6 quốc gia trên thế giới để tham gia Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh công nghệ (ITSI).
Thứ tư là, Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ trình Quốc hội Luật sửa 4 luật, trong đó, đối với Luật Đầu tư thiết kế chương trình đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn được thời gian và hấp dẫn được đầu tư. Luật lần này sửa đổi, bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng đối với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn và các lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo quy trình đăng ký đầu tư tại các Ban quản lý để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội để ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao…, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Bên cạnh đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với 03 khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều khu công nghiệp với hạ tầng hiện đại sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi, hỗ trợ thuận lợi.
Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 không chỉ là một sự kiện kết nối, mà còn là nơi khởi đầu cho những kế hoạch hợp tác dài hạn, nơi các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng phát triển và lợi ích khi đồng hành cùng Việt Nam. Triển lãm diễn ra trong 02 ngày với các hội thảo, diễn đàn, phiên thảo luận chuyên sâu và các hoạt động bên lề là cơ hội quý giá để các nhà quản lý, các doanh nghiệp cùng tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng rằng, sự kiện sẽ là một nền tảng kết nối các doanh nghiệp Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp bán dẫn để chúng ta hợp tác rộng hơn, cùng tiến xa hơn, đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, góp phần vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung, tạo đà vững chắc cho Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-11-7/Viet-Nam-da-hoi-tu-cac-dieu-kien-de-san-sang-don-n5kxj1z.aspx