Ngày 20.9, Hệ thống tiêm chủng VNVC chính thức ra mắt vắc xin ngừa sốt xuất huyết (do Takeda, Nhật Bản sản xuất) và sẽ triển khai tiêm đồng loạt tại gần 200 trung tâm tiêm chủng hiện đại của VNVC trên toàn quốc. Đây là vắc xin ngừa sốt xuất huyết dành cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin trên cả 4 chủng sốt xuất huyết lên đến hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%.
BS Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, thông tin vắc xin ngừa sốt xuất huyết của Takeda Nhật Bản được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trên thế giới từ năm 2018, đến nay đã được sử dụng tại hơn 40 quốc gia, đặc biệt ưu tiên sử dụng cho các nước thường xuyên có dịch phức tạp. Với công nghệ hiện đại, vắc xin có hiệu quả phòng cả 4 chủng vi rút gây bệnh sốt xuất huyết (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4). Đặc biệt, vắc xin có hiệu quả phòng tái nhiễm cho người từng mắc bệnh.
Thêm vũ khí phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả
Vắc xin ngừa sốt xuất huyết của Takeda, Nhật Bản được Bộ Y tế phê duyệt vào tháng 5.2024. Cùng với nhà sản xuất, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã nỗ lực để sớm đưa về Việt Nam, nhanh chóng kịp thời hỗ trợ phòng dịch với chu kỳ đỉnh dịch thường vào tháng 10 hằng năm.
Theo bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc cung ứng của VNVC, là đối tác chiến lược toàn diện với Hãng dược phẩm Takeda, VNVC đã triển khai đặt hàng từ rất sớm và nỗ lực cùng nhà sản xuất để đưa về Việt Nam số lượng lớn vắc xin sốt xuất huyết, bởi vắc xin này khá khan hiếm trên thế giới, nhất là các nước có dịch tễ phức tạp như châu Phi, các nước Đông Nam Á… Nếu vắc xin được tiêm kịp thời sẽ sớm bảo vệ cho trẻ em, người lớn, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật lớn do sốt xuất huyết gây ra mỗi năm. Thời điểm triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết càng ý nghĩa hơn khi nhiều dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, gia tăng số ca mắc khi mưa bão, lũ lụt xảy ra liên tiếp.
Nhiều chuyên gia điều trị bệnh truyền nhiễm đã kỳ vọng vắc xin sốt xuất huyết được đưa vào sử dụng tại Việt Nam sẽ giúp giảm gánh nặng do bệnh này. Và như vậy sẽ giảm số ca nhập viện, giảm tải bệnh viện và giảm biến chứng, tử vong. Ở góc độ dự phòng, quản lý nhà nước, Th.S-BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho rằng việc triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết tại Việt Nam giúp ngành y tế dự phòng và người dân có thêm vũ khí phòng bệnh và đối phó với dịch sốt xuất huyết hiệu quả. Tuy vắc xin có hiệu quả và lợi ích lớn, nhưng BS Nga lưu ý người dân vẫn cần duy trì các biện pháp phòng chống dịch khác như chống muỗi bằng việc dọn dẹp vệ sinh môi trường sống, ngủ mùng… để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và bền vững.
Gánh nặng bệnh sốt xuất huyết
Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng gấp 10 lần trong 2 thập niên qua, từ 500.000 ca vào năm 2000 lên hơn 5 triệu ca vào năm 2019. Tại Việt Nam, nếu trước đây, giai đoạn 1980 – 2018 thường ghi nhận đỉnh dịch mỗi 10 năm/lần, thì đến giai đoạn 2019 – 2023, Việt Nam đã trải qua tới 2 đợt đỉnh dịch vào năm 2019 và năm 2022. Riêng năm 2022, cả nước có hơn 367.000 ca mắc, đứng thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Brazil.
Theo BS Lê Hồng Nga, những năm gần đây dịch tễ sốt xuất huyết đã thay đổi, không còn phát triển theo chu kỳ mà tăng đều hằng năm, đặc biệt vào thời điểm cuối năm. Nguyên nhân chính là do hậu quả của sự đô thị hóa và sự nóng dần lên toàn cầu đã tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh sinh sôi phát triển mạnh. Thống kê cho thấy cả nước hằng năm có khoảng 200.000 ca mắc sốt xuất huyết và hàng chục ca tử vong. Các nước có mô hình dịch tễ tương đồng Việt Nam như Brazil đã đưa vắc xin vào tiêm chủng rộng rãi cho người dân.
BS Bạch Thị Chính cho biết thêm sốt xuất huyết diễn biến khó lường và phức tạp. Bệnh có thể gặp ở trẻ em và cả người lớn, trong đó các đối tượng có nguy cơ trở nặng cao hơn là trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì… Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm do sốt xuất huyết như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê…
“Với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu. Người mẹ có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, tổn thương chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ gây nguy hiểm tính mạng”, BS Chính nói và cho biết thêm nếu sống sót sau nhiễm sốt xuất huyết nặng có biến chứng, gần 70% bệnh nhân giảm khả năng lao động, hơn 50% người sống chung với triệu chứng bệnh như đau khớp, đau cơ, suy nhược, yếu tay chân, rụng tóc… đến 2 năm.
Lưu ý sốt xuất huyết ở trẻ em
Theo ghi nhận của PV Báo Thanh Niên chiều 20.9, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhiều trẻ nhập viện điều trị sốt xuất huyết. Như trường hợp bé T.N.B.A (8 tuổi, ở Q.8) nhập viện từ ngày 14.9. Mẹ B.A cho biết trước đó bé đi tiêm vắc xin, về thì bị sốt, lúc tỉnh táo, lúc lừ đừ chóng mặt. Gia đình cứ nghĩ bé bị triệu chứng sau tiêm ngừa nên chỉ đưa ra phòng khám tư kiểm tra rồi về uống thuốc. Sau 2 ngày, thấy con sốt cao thì gia đình đưa đi thử máu, phát hiện bị sốt xuất huyết nên nhập viện. Mẹ bệnh nhi cũng cho biết bản thân và gia đình chủ quan khi thời gian qua, khu vực xung quanh nhà và hàng xóm chưa từng có ai bị sốt xuất huyết nên gia đình khá bất ngờ khi con mắc bệnh.
Tương tự, bé N.T.N.N (13 tuổi, ở Q.Tân Phú) cũng bị sốt vài ngày rồi gia đình mới phát hiện em bị sốt xuất huyết. Theo mẹ của N., em bị sốt từ 3 ngày trước nhưng không nói gia đình mà vẫn đi học bình thường. Sau đó em bắt đầu đau họng, gia đình vẫn nghĩ do trời mưa và ngủ phòng máy lạnh nên đưa em đi phòng khám tư và uống thuốc. Sau đó, em sốt cao và có nhiều biểu hiện chóng mặt, lừ đừ cơ thể thì gia đình mới đưa đi xét nghiệm, phát hiện sốt xuất huyết và nhập viện điều trị.
TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết ở trẻ em, bệnh có nhiều nguy cơ diễn tiến nặng và tỷ lệ tử vong cao do thường dễ nhầm lẫn các dấu hiệu ban đầu với nhiều bệnh lý khác. Mặt khác, trẻ em thường không biết miêu tả triệu chứng bệnh, do đó bệnh thường phát hiện muộn gây khó khăn cho điều trị. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng như lọc máu, thay huyết tương, chống sốc… Chi phí điều trị một ca mắc sốt xuất huyết nặng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Cũng theo ông, nhiều trẻ sốt xuất huyết nhập viện khi đã có biến chứng nặng, rơi vào tình trạng sốc, trụy tim mạch, xuất huyết ồ ạt, giảm thể tích tuần hoàn có nguy cơ tử vong rất cao. Những năm qua, số ca mắc sốt xuất huyết nặng có dấu hiệu tăng lên có thể liên quan đến chủng vi rút DEN-2 gây bệnh chiếm ưu thế…
Theo báo cáo của HCDC, từ đầu năm 2024 đến nay, TP.HCM có 6.979 ca sốt xuất huyết. Các địa phương có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Q.1, TP.Thủ Đức và Q.7.
Trong gần 8 năm qua, VNVC đã cùng các hãng vắc xin hàng đầu thế giới đưa về Việt Nam hàng chục loại vắc xin quan trọng phòng nhiều bệnh nguy hiểm. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, VNVC đã mang về 3 loại vắc xin mới phòng bệnh viêm màng não mô cầu B thế hệ mới, vắc xin phế cầu 23 và vắc xin sốt xuất huyết.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/viet-nam-da-co-vac-xin-sot-xuat-huyet-18524092023171589.htm