(VTC News) – PGS, TS. Nguyễn Viết Thảo nhận định, chuyến thăm Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định thêm nữa ‘tầm cao đặc biệt’ của mối quan hệ hai nước.
Từ ngày 21-27/9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ có chuyến đi làm việc tới Mỹ và thăm Cuba. Sau các hoạt động tại Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Cuba theo lời mời của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel Bermudez và Phu nhân.
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Cuba tiếp tục trở thành biểu tượng của tình đoàn kết và hữu nghị quốc tế. Trong hơn 60 năm qua, Việt Nam và Cuba luôn kề vai, sát cánh, tăng cường hợp tác để đóng góp cho sự phát triển của hai nước và thế giới.
Theo PGS, TS. Nguyễn Viết Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba, Nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chuyến thăm tới đây của Tổng bí thư, Chủ tịch nước tới Cuba có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Từ nghĩa tình anh em sâu nặng
Mối quan hệ Việt Nam-Cuba có bề dày lịch sử và sự sâu đậm, chí tình hiếm có giữa hai dân tộc dù cách xa nhau về địa lý nhưng lại tương thông trong dòng chảy Cách mạng. Chia sẻ kỷ niệm về những năm tháng ở Cuba, PGS. Thảo bồi hồi nhớ lại:
“Tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Cuba vốn là đã có bề dày trong lịch sử, được anh hùng giải phóng dân tộc Cuba José Martí gieo mầm từ cuối thế kỷ 19 khi ông viết truyện ngắn rất nổi tiếng – “Một cuộc dạo chơi trên đất của người An Nam”.
José Martí chưa một lần đặt chân trên đất nước chúng ta, nhưng ông hiểu biết và dành tình cảm đặc biệt cho dân tộc ta từ ngày ấy. Vì sao? Vì ông thấy rằng dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ là lực lượng thắp lên ngọn đuốc, chống thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Đây là dân tộc quả cảm, bất khuất, anh hùng, không bao giờ chịu khuất phục trước ngoại xâm. Ông nể cái đó.
Chúng tôi, mỗi lần đọc lại tác phẩm của José Martí, dài 50 trang, đều cảm thấy khâm phục trước sự hiểu biết sâu sắc của Martí về văn hóa, con người và lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, tôi vô cùng ngưỡng mộ và cảm kích trước tình cảm cao quý và niềm tin yêu mãnh liệt mà ông dành cho nhân dân và dân tộc Việt Nam, dù ông chưa từng có điều kiện đến thăm đất nước này“.
PGS, TS. Nguyễn Viết Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba, Nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Nhưng cơ duyên đặc biệt giữa hai dân tộc được khơi nguồn bởi nhà Cách mạng José Martí không chỉ có vậy, như PGS. Thảo giải thích thêm, anh hùng José Martí đã hy sinh trên chiến trường khi còn rất trẻ, chỉ 42 tuổi, đúng vào ngày 19/5/1895. Điều này vô tình trùng với ngày sinh của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, vào ngày 19/5. Cho đến ngày nay, nhân dân Cuba vẫn tổ chức các hoạt động kỷ niệm song trùng vào ngày 19/5 hàng năm. Họ kỷ niệm ngày mất của José Martí và đồng thời kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Tôi chưa bao giờ thấy nhân dân nào trên thế giới có những kỷ niệm song trùng, thủy chung, son sắt, đặc biệt như vậy“, PGS. Thảo nhận định.
Từ những cơ duyên, hạt giống ban đầu như vậy, nghĩa tình giữa hai quốc gia, hai dân tộc đã mau chóng đơm hoa, kết trái và đạt được những dấu mốc quan trọng. Theo PGS. Thảo, động lực thúc đẩy cho mối quan hệ mẫu mực giữa Việt Nam-Cuba trước hết phải kể đến việc hai nước có chung mục tiêu, lý tưởng và con đường Cách mạng. Cả hai đều theo đuổi con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chống thực dân và đế quốc.
Ông Thảo cảm động nhắc lại rằng, trong những năm tháng chúng ta đánh Mỹ, Cuba cũng có nhiều khó khăn, nhưng các bạn đã dành cho chúng ta không chỉ sự ủng hộ về mặt chính trị to lớn, vững chắc, mà các bạn còn viện trợ cho chúng ta hàng hóa vật phẩm rất thiết yếu, trong đó có đường, lương thực, thuốc men…
Cuba cũng giúp quân đội ta tìm kiếm những trang bị cần thiết để mở đường Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh, phục vụ cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, giải phóng Việt Nam. Cả đất nước và cả thế giới, trong đó có nhân dân hai nước, nhớ mãi câu nói của chủ tịch Fidel Castro: Vì Việt Nam, nhân dân Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình.
Đặc biệt, chính những hỗ trợ nghĩa tình, một miếng khi đói bằng một gói khi no của bạn đã là những viên gạch xây đắp, làm ấm nồng thêm quan hệ trong thế kỷ 20 giữa hai dân tộc, làm tiền đề cho sự hỗ trợ quý báu, cần thiết giữa hai quốc gia vào thời điểm hiện nay.
Theo PGS. Thảo, Cuba không bao giờ đem đồ dư thừa để viện trợ giúp đỡ các nước anh em, Cuba không dư thừa vật chất nào hết. Cuba dành những nguồn lực vật chất ít ỏi, thậm chí dù vẫn đang thiếu thốn, vẫn giúp đỡ nhân dân các nước khác.
Đây mới là điều đặc biệt giá trị, đúng như tinh thần của Việt Nam chúng ta: Lá rách ít đùm lá rách nhiều hơn. “Cho nên mỗi lần nói đến sự giúp đỡ, viện trợ, tình cảm quốc tế của Cuba đối với Việt Nam, chúng tôi vẫn lần nào cũng thấy xúc động“, PGS. Thảo nói.
Bối cảnh mới yêu cầu những khuôn khổ hợp tác mới
Nhận xét về mối quan hệ giữa Việt Nam-Cuba trong thời đại mới, PGS. Thảo cho rằng mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Cuba hiện nay được thể hiện qua sự giúp đỡ lẫn nhau trong việc kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mang lại thành công và chiến thắng vĩ đại cho cả hai dân tộc, mang lại độc lập, tự do, ấm no cho cả hai nước. Con đường này đã giúp Việt Nam đổi mới thành công và Cuba trụ vững, cập nhật kinh tế – xã hội theo mô hình xã hội chủ nghĩa với những kết quả ban đầu rất quan trọng.
Hiện tại, Việt Nam và Cuba cùng nỗ lực duy trì và phát triển mối quan hệ ở tầm cao đặc biệt, dựa trên sự hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại, khoa học và văn hóa.
Trong những năm qua, dù có nhiều khó khăn về kinh tế và tài chính hay địa lý, hai nước vẫn tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ chính trị tầm cao đặc biệt. Các nhà lãnh đạo chủ chốt của hai nước thường xuyên thăm viếng và trao đổi với nhau về những vấn đề chiến lược quan trọng, tạo ra sự tin cậy chính trị đặc biệt giữa hai nước.
Hai nước cũng rất chú trọng đổi mới, hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và giáo dục đào tạo cũng đang được nâng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh mới.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam – Cuba nhấn mạnh: “Trong kháng chiến chống thực dân đế quốc chúng ta đã có những quan hệ kinh tế, thương mại, giáo dục, đào tạo, khoa học, kỹ thuật, văn hóa thành công, đó là tiền đề rất quý báu. Nhưng chúng ta không thể tiếp tục làm như thế nữa trong bối cảnh mới. Hai bên đang rất tích cực tìm kiếm những khuôn khổ mới, hình thức mới, biện pháp mới để tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác bên cạnh quan hệ chính trị và tầm cao đặc biệt“.
Ông lấy ví dụ, trong những thời điểm mỗi bên gặp rủi ro, khó khăn, bất trắc, thiên tai, bão lụt, hỏa hoạn, dịch bệnh,… thì sự giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước là vô cùng cảm kích, vô tư, trong sáng. Nhân dân Việt Nam chúng ta đã thực hiện khá nhiều chiến dịch quyên góp vật chất, dù không lớn nhưng đầy tình cảm, với tình anh em thắm thiết để giúp đỡ nhân dân Cuba. Cuba cũng vậy, trong thời điểm chống dịch Covid-19, bạn vô tư sẵn sàng chuyển giao toàn bộ công nghệ sản xuất vaccine cho ta, rồi ưu tiên cho ta hàng triệu liều vaccine.
Đây là những biểu hiện rất sinh động trong thời kỳ mới của mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Cuba.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với báo chí, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen cũng nhấn mạnh, trong những năm 60, quan hệ giữa hai nước đã rất sâu sắc, dựa trên sự tôn trọng, hỗ trợ và ngưỡng mộ lẫn nhau, phù hợp với đặc điểm hoàn cảnh mà mỗi quốc gia phải trải qua vào lúc đó, với cuộc đấu tranh mà mỗi quốc gia phải đối mặt trong thời điểm đó, trong thời điểm mà sự hỗ trợ lẫn nhau là cần thiết.
Thời gian trôi qua đã làm mối quan hệ giữa hai nước phát triển theo cách khác và ngày nay Việt Nam và Cuba có mối quan hệ rất phong phú, rất rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực. Việt Nam và Cuba đều phát triển được thế mạnh của mình.
Việt Nam đang cung cấp cho Cuba kiến thức để đảm bảo an ninh lương thực cũng như những yếu tố góp phần vào việc đạt được mục tiêu thu hút vốn nước ngoài của Cuba.
Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen
Đặc biệt, Đại sứ đánh giá Việt Nam chắc chắn đã trở thành một cường quốc kinh tế trong khu vực, còn trên thế giới Việt Nam là một cường quốc xuất khẩu và là một cường quốc về sản xuất lương thực. Đó là những lĩnh vực mà Việt Nam đã phát triển và được công nhận trên toàn thế giới và chúng cũng góp phần vào khả năng phát triển quan hệ song phương.
Đại sứ khẳng định, hiện nay, Việt Nam đang cung cấp cho Cuba kinh nghiệm, kiến thức để đảm bảo an ninh lương thực. Việt Nam cũng cung cấp cho Cuba những yếu tố góp phần vào việc đạt được mục tiêu thu hút vốn nước ngoài của Cuba.
Tại Đặc khu phát triển Mariel, Việt Nam là trường hợp duy nhất được Cuba cấp giấy phép nhượng quyền khai thác một khu kinh tế nằm trong đặc khu. Đây sẽ là địa điểm giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Cuba, một lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều kinh nghiệm. Việt Nam cũng có kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và Cuba hy vọng điều này sẽ tiếp tục được triển khai ở nước bạn. Ngoài ra, còn có các lĩnh vực quan trọng khác như sản xuất lương thực, không chỉ lúa gạo, mà còn có thể là cà phê, hay nuôi trồng thủy sản có tiềm năng hợp tác.
Chuyến thăm có ý nghĩa thiết thực nhằm tháo gỡ tồn đọng
Ngoài ý nghĩa khẳng định mối quan hệ đặc biệt, tầm cao chiến lược với Đảng, nhà nước và dân dân Cuba, chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tạo rất nhiều điều kiện để cho ý kiến chỉ đạo cụ thể, giải quyết các vấn đề tồn đọng trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, thậm chí khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo giữa hai nước trong tình hình hiện nay.
“Tồn đọng vì sao? Vì hiện nay hai nước có những cơ chế kinh tế khác nhau. Việt Nam đang trong cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, còn Cuba mới chỉ chấp nhận sự tồn tại của thị trường nhưng chưa hình thành cơ chế thị trường như chúng ta. Từ quan hệ tỷ giá hối đoái đến trao đổi thương mại liên doanh giữa hai nước gặp nhiều trở ngại do cơ chế khác nhau, chưa kể cộng với khó khăn hiện nay của Cuba trong đó có việc thanh toán cho Việt Nam đúng hạn, do Cuba đang rất khó khăn về tài chính“, PGS. Thảo giải thích.
Những tồn đọng này rất cần sự chỉ đạo của lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước để nhanh chóng được tháo gỡ. Chuyến thăm của đồng chí Tổng bí thư, do đó, rất có ý nghĩa và thiết thực. Ông Thảo tin rằng chuyến thăm Cuba sắp tới sẽ mở ra một trang sử mới, kế thừa và phát triển quan hệ Việt Nam-Cuba nên tầm cao mới trong bối cảnh mới của thế giới, của Việt Nam và của Cuba.
Theo PGS. Thảo, chúng ta cần đặt quan hệ Việt Nam-Cuba trong tổng thể chung của các quan hệ quốc tế của Việt Nam trong quá trình đổi mới hiện nay, vừa đồng thời phải dành cho mối quan hệ Việt Nam-Cuba một cơ chế đặc thù để đủ sức tạo động lực phát triển và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc do hoàn cảnh mỗi nước, trong đó có hoàn cảnh của Cuba gây ra.
“Không có cơ chế đặc thù thì không xử lý được nhiều vấn đề đang tồn đọng“, ông đặc biệt nhấn mạnh.
VTC.vn
Nguồn: https://vtcnews.vn/viet-nam-cuba-moi-quan-he-o-tam-cao-dac-biet-ar897633.html