Sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) được tổ chức từ ngày 13 – 15.9 tại TP.HCM nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu, thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước. Bộ Công thương cho biết, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới thông báo sẽ tham gia như Walmart, Amazon, Boeing, Carrefour, Central Group; Coppel (Mexico), IKEA (Thụy Điển); Aeon, Uniqlo (Nhật Bản)…
Không chỉ thế, thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) mới đây cũng cho biết, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào VN; tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM với tổng trị giá đầu tư tới 4 tỉ USD hay tập đoàn Lego của Đan Mạch đầu tư xây dựng nhà máy ở Bình Dương tổng vốn 1 tỉ USD.
Sản xuất thiết bị điện tử tại công ty TNHH Foster VN tại KCN VSIP 2 (Bình Dương) – công ty vốn đầu tư Nhật
Đỗ Trường
Sự xuất hiện của những tập đoàn sản xuất lớn cho thấy, VN đang trở thành trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Trước đó, những doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có mặt từ sớm tại thị trường nội địa như Intel, Samsung, LG, Qualcomm… cũng liên tục công bố mở rộng đầu tư. Đáng chú ý nhất khi cuối năm vừa qua, Samsung chính thức đưa Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội vào hoạt động – đây là trung tâm R&D lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á của tập đoàn này trong kế hoạch nâng tầm vị thế của VN vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất toàn cầu. Hiện Samsung đã dịch chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại của tập đoàn về VN và Ấn Độ. Khoảng 60% sản lượng điện thoại thông minh của Samsung bán ra trên toàn thế giới được sản xuất tại VN.
Thông qua Trung tâm R&D, Samsung hy vọng sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của lĩnh vực phần cứng (H/W), phần mềm (S/W) phù hợp với lĩnh vực IT tiên tiến và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, tập đoàn này đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics ở Thái Nguyên. Tương tự, lãnh đạo Tập đoàn LG, cho biết trong tương lai, tập đoàn sẽ đầu tư vào VN thêm 4 tỉ USD nữa với mong muốn tiếp tục hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Mục tiêu của LG là đưa VN là trung tâm sản xuất máy ảnh cho điện thoại trong tương lai…
Sản xuất tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam
Phạm Hùng
Sản xuất tại Samsung Việt Nam
Thùy Linh
Bên cạnh đó, hàng loạt tên tuổi mới đã bắt đầu có mặt trực tiếp tại VN. Chẳng hạn, Công ty Synopsys (Mỹ) trong năm 2022 đã thông báo sẽ đào tạo kỹ sư điện tại VN và hỗ trợ Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) thành lập trung tâm thiết kế chíp thông qua chương trình tài trợ phần mềm. Đây là một trong số ít các công ty Mỹ thống trị thị trường toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), hoặc phần mềm thiết kế chip. Một nhà cung cấp linh kiện cho Samsung là Công ty Hansol Electronics Việt Nam (Hàn Quốc) mới đây cũng đã được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy phép đầu tư cho 2 dự án với tổng vốn lên tới 100 triệu USD…
Tại diễn đàn “Đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới” diễn ra cuối tháng 8, đại điện Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (Kocham) thông tin có hàng chục dự án đầu tư từ Hàn Quốc vào VN trong 7 tháng năm 2023. Đặc biệt, có những dự án có giá trị từ 700 triệu đến hàng tỉ USD. Kocham khẳng định, dòng vốn từ Hàn Quốc vào VN sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, bởi VN vẫn được các công ty Hàn Quốc đánh giá là thị trường tiềm năng, nhất là sau đại dịch Covid-19, làn sóng chuyển dịch của nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào VN trở nên mạnh mẽ.
Nhắc đến chuyến thăm chính thức của Tổng thống Joe Biden đến VN từ hôm nay (10.9), GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), khẳng định VN và Mỹ sẽ có những dự án hợp tác quan trọng trong lĩnh vực công nghệ trong thời gian tới. Mỹ đứng thứ 11/141 quốc gia vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong năm qua, song đó mới là số đầu tư trực tiếp từ Mỹ, còn đầu tư thông qua nước thứ 3, qua chuỗi cung ứng… thực tế cao hơn rất nhiều.
Đáng chú ý, vấn đề nóng nhất trong cuộc đua cạnh tranh về bán dẫn thời gian gần đây là công nghệ bán dẫn (mà bán dẫn không thể thiếu đất hiếm). Sau Trung Quốc, VN đang có lợi thế cực lớn về đất hiếm. Năm 2022, VN đã xuất khẩu 4.500 tấn đất hiếm, thu về 200 triệu USD. Với tiềm năng đã có, giả sử chúng ta tạo ra được hàng trăm ngàn tấn đất hiếm thì nguồn ngoại tệ thu về lên đến mười mấy tỉ USD. Đó không chỉ là tiền mà vị thế của một quốc gia ra thế giới. Dựa vào đất hiếm, nguồn nhân lực đang được đào tạo ngày một tốt hơn để thủ đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
GS-TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh: Thế nên, cơ hội hay nói đúng hơn là viễn cảnh cho một VN trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới là hoàn toàn có thể xảy ra. Lợi thế của VN là đã có những nhà đầu tư lớn, gắn bó lâu dài đến từ 2 quốc gia mạnh tại châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản – luôn ở tốp 5 về vốn FDI vào VN. Nay với những chuyến đi ngoại giao, trao đổi, làm việc, tìm hiểu giữa các lãnh đạo cấp cao từ Mỹ đến VN, kèm theo đó luôn có các tập đoàn công nghệ lớn là cơ hội để 2 nước đẩy mạnh hơn nữa các hợp tác về công nghệ. Mỹ vẫn đi dầu về công nghệ cao, công nghệ tương lai, công nghệ nguồn.
“Cách đây hơn 1 năm, đại diện của Intel tại VN cho biết, tập đoàn này có 3 nhà máy đặt công nghệ nguồn (trong đó gồm cả nhà máy ở Mỹ) và nay muốn biến VN trở thành một trong những địa điểm sản xuất công nghệ nguồn. Thế nên, trong thời gian sắp tới, vấn đề của chúng ta là làm sao có nhân lực, nguồn lực, nền tảng để tiếp thu những công nghệ hiện đại từ đối tác Mỹ. Cần có nghiên cứu phát triển nhiều hơn để làm chủ công nghệ tương lai, năng lượng sạch, bán dẫn…”, GS-TSKH Nguyễn Mại chia sẻ thêm.
TS Nguyễn Quốc Việt – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội – nhận định xu thế dịch chuyển sản xuất của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới sang VN đã trở nên rõ ràng. Đây cũng là điểm hấp dẫn mà VN đã duy trì được trong những năm qua. Với những điểm tích cực được nhà đầu tư ngoại đánh giá như có sự cải thiện về môi trường kinh doanh; tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; nền tảng số và cơ sở hạ tầng được phát triển. Đồng thời nguồn nhân lực của VN vẫn có trình độ tốt. Nếu như trước đây là cứ điểm sản xuất đơn giản của hàng dệt may, da giày thì gần đây đã có nhiều hơn các nhà máy sản xuất công nghệ cao, điện tử, vi mạch…
Sản xuất tại Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R – VN
Phạm Quang Vinh
Thậm chí, các nhà máy sản xuất hàng hóa da giày, dệt may cũng đã được đầu tư theo hướng sản xuất với công nghệ cao hơn như Uniqlo công bố nhiều sản phẩm được sản xuất tại VN với tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu như áo phao lông vũ siêu nhẹ Ultra Light Down, áo giữ nhiệt, áo nỉ, áo khoác giả lông cừu hay dòng sản phẩm áo dệt len…
“VN đã thật sự trở thành điểm đến của công nghiệp chế biến chế tạo nói chung của thế giới. Ngoài những lợi thế của riêng VN thì có một phần từ yếu tố khác quan của quốc tế. Đó là những nước có căng thẳng về địa chính trị, xung đột với nhau khiến các nhà đầu tư ngoại có nhu cầu dịch chuyển sản xuất để phân tán rủi ro nên VN được lựa chọn là một điểm phù hợp. Để tiếp tục đón nhận các dòng vốn FDI mới và giữ chân nhà đầu tư cũ thì VN vẫn phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng đáp ứng về nhu cầu chuỗi sản xuất chất lượng cao phù hợp với những tiêu chí mới như sản xuất xanh, năng lượng xanh…”, TS Nguyễn Quốc Việt nói.
Với sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn tại VN, các DN trong nước được đánh giá cũng sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu thông qua vai trò là nhà cung cấp hay trở thành một mắt xích trong toàn bộ sản xuất của các nhà máy. Tuy nhiên thực tế, số lượng DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất còn ít, chủ yếu ở khâu giá trị gia tăng thấp.
TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, hiện nay, các nhà sản xuất ngày càng khó tính hơn, đòi hỏi các tiêu chuẩn cao hơn rất nhiều về kỹ thuật, hạ tầng, môi trường hay cả nguồn nhân lực. Trong nhiều trường hợp, VN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn lớn khi họ muốn mở nhà máy ở VN như công nghệ bảo mật còn yếu, kinh tế số còn chậm, nhân lực chất lượng cao chưa đủ. Vì vậy, đáng lẽ ra sự dịch chuyển sản xuất đến VN sẽ nhiều hơn thì có thể vẫn còn “nghẽn” khiến làn sóng này chậm lại. Thậm chí, sự không chắc chắn trong một số chính sách của VN cũng khiến các nhà đầu tư FDI e dè.
Trong khi đó, các nước xung quanh cũng liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, VN phải luôn nỗ lực, nhìn nhận những tồn tại để có những chính sách đồng bộ nâng cao năng lực của các DN trong nước để có thể kết nối, tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng với các tập đoàn nước ngoài. Từ đó mới có thể tăng tốc hơn để thu hút thêm các tập đoàn lớn và thật sự trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng tình, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nêu quan điểm, so với thời gian những năm trước và ngay trong năm đại dịch bùng phát, vị thế của VN với thế giới lại có sự thay đổi đáng kể. Tuy vậy, VN cần nghiên cứu thu hút và phát triển theo chiều sâu chứ không nên là chiều rộng như Trung Quốc trước đây. Đặc biệt, nếu thành cứ điểm sản xuất, VN cần chú trọng tăng tỷ lệ giá trị gia tăng mà người Việt hưởng, thay vì tập trung vào tay các nhà đầu tư nước ngoài trong chuỗi cung ứng hay nhập khẩu. Chẳng hạn, hơn 80% linh kiện vẫn được nhập khẩu, phụ thuộc hoàn toàn nước ngoài. Ngày nay, VN phải giảm tỷ lệ này dần về 70%, 50 – 60% mới thành công.
Thanhnien.vn