Thông tin được chia sẻ tại tọa đàm xây dựng tạp chí khoa học đạt chuẩn Scopus/ACI do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng nay (15.7) tại ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH).
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng qua nghiên cứu kinh nghiệm ở các nước châu Á cho thấy, rất nhiều tạp chí của các nước ở khu vực này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore được đưa vào danh mục ISI/Scopus. Đáng chú ý, Hàn Quốc có trên 300 tạp chí trong danh mục Scopus.
Thứ trưởng thông tin hiện có 32 tạp chí khoa học trực thuộc các cơ sở giáo dục ĐH do Bộ GD-ĐT quản lý, không tính các trường thành viên của ĐH vùng. Thời gian qua, Bộ đã hỗ trợ 18 tạp chí để xây dựng kế hoạch đạt chuẩn trong hệ thống trích dẫn Đông Nam Á (ACI – Asean Citation Index). Hai tạp chí đạt chuẩn Scopus gồm: Tạp chí Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh châu Á thuộc ĐH Kinh tế TP.HCM và Tạp chí Kinh tế và phát triển thuộc Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Những con số cho thấy sự bất cập
Chia sẻ tại tọa đàm, GS-TS Lê Quốc Hội, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và phát triển thuộc Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cũng cho biết tính đến năm 2024 Việt Nam có tất cả xấp xỉ 800 tạp chí khoa học. Trong đó chỉ 12 tạp chí được vào hệ thống WoS và Scopus. Ở cấp độ khu vực, trong số 405 tạp chí khoa học được chỉ mục trong hệ thống ACI, Việt Nam mới chỉ có 19 tạp chí. Quá trình gia nhập quốc tế của các tạp chí khoa học Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn và thách thức.
Cùng quan điểm, PGS-TS Đinh Văn Thuật, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học công nghệ xây dựng thuộc Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, cho rằng: “Có thể nói giữa nhu cầu công bố và khả năng đáp ứng của tạp chí trong nước đang bị mất cân bằng nghiêm trọng. Số lượng tạp chí của Việt Nam thuộc Scopus ít hơn rất nhiều so với nhiều nước trong khu vực”.
Theo số liệu truy cập ngày 28.6, PGS-TS Đinh Văn Thuật cho biết Việt Nam hiện mới chỉ có 2 tạp chí thuộc Scopus, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á (như Indonesia 169 tạp chí, Singapore 205 tạp chí, Malaysia 117 tạp chí…). Trong khi đó, tổng số các bài báo khoa học của Việt Nam lên tới khoảng 40.000 bài/năm. Đáng chú ý trong số này có khoảng trên 19.000 bài của Việt Nam gửi đăng các tạp chí Scopus/WoS của nước khác. Số lượng bài đăng này của Việt Nam tương đương trên 71% số bài báo Scopus của Thái Lan, 42% của Malaysia và 33% của Indonesia… Nhưng ngược lại, có rất ít bài báo từ nước ngoài gửi đến các tạp chí của Việt Nam. Từ đó, PGS Thuật cho rằng có sự bất cập khi số lượng công bố quốc tế khá nhiều nhưng số lượng tạp chí lại quá ít.
Giải pháp nào để nhà khoa học Việt Nam công bố quốc tế trong nước?
Theo PGS-TS Đinh Văn Thuật, Việt Nam cần có nhiều tạp chí Scopus/WoS để đăng các bài trong nước và của nước khác. Muốn vậy, theo Tổng biên tập Tạp chí Khoa học công nghệ xây dựng, cần có sự đầu tư mạnh ban đầu về con người chuyên trách, cơ sở vật chất. Đặc biệt là tài chính để duy trì các hoạt động bao gồm cả dịch vụ sử dụng hệ thống biên tập, xuất bản quốc tế mà một số tổ chức quốc tế đang độc quyền trong nhiều năm nay. Hoạt động của tạp chí trong nước hiện nay không thể có đủ nguồn thu cho các chi phí cần thiết.
GS-TS Lê Quốc Hội cho rằng việc nâng cao chất lượng tạp chí khoa học để gia nhập các cơ sở dữ liệu quốc tế đã thành đòi hỏi bức thiết hiện nay. “Để nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam, cũng như ngày càng có nhiều tạp chí vào danh mục WoS, Scopus và ACI, đã đến lúc các nhà quản lý các tạp chí khoa học của Việt Nam cần làm việc nghiêm túc và xác định đúng lộ trình, bước đi và giải pháp cụ thể theo các tiêu chí hệ thống bình duyệt quốc tế. Đây là việc làm cần nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước, cộng đồng khoa học để Việt Nam sớm có nhiều tạp chí đạt tiêu chuẩn quốc tế”, GS-TS Lê Quốc Hội đề xuất.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng việc phát triển các tạp chí khoa học trong nước hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới là nhiệm vụ quan trọng. Để sau này, các nhà khoa học có thể đăng bài trên các tạp chí trong nước nhưng mang chất lượng và chuẩn mực của quốc tế.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, những công việc trên không thể chậm trễ bởi các tạp chí trong nước hoàn toàn có tiềm năng, khả năng thực hiện. “Cách đây hơn 10 năm chúng ta chưa tự tin trong việc công bố bài báo quốc tế nhưng bây giờ chúng ta đã tự tin. Tương tự, các tạp chí khoa học bây giờ có thể tự tin vào các danh mục tạp chí quốc tế. Sau giai đoạn 1, chúng ta sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện mục tiêu trên trong giai đoạn tiếp theo”, Thứ trưởng Phúc cho biết.
Nguồn: https://thanhnien.vn/viet-nam-cong-bo-tren-19000-bai-bao-quoc-te-nam-nhung-chi-co-2-tap-chi-scopus-185240715190841999.htm