VietNamNet có cuộc trao đổi với bà Holly Lindquist Thomas, Giám đốc Văn phòng về Các vấn đề Đa phương thuộc Vụ Đông Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Mỹ về mối quan hệ đối tác Mekong-Mỹ cũng như sự hợp tác của Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thưa bà Holly Lindquist Thomas, bà đánh giá thế nào về quan hệ đối tác Mekong-Mỹ trong việc ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu thời gian qua và trong tương lai sắp tới?
Biến đổi khí hậu là một vấn đề lớn mà tất cả chúng ta trên khắp thế giới đang phải đối mặt, cũng như cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết. Vì vậy, Mỹ và khu vực Mekong đang hợp tác cùng nhau trong khuôn khổ quan hệ đối tác hai bên để cố gắng giải quyết.
Một số việc chúng tôi đang làm là triển khai các chương trình quản lý nước để giúp giải quyết vấn đề về xâm nhập mặn, đặc biệt như ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi cũng đang làm việc về vấn đề liên quan đến mực nước ngầm. Nguồn nước ngầm đang sụt giảm, mọi người không thể lấy nước từ những nguồn trước kia họ đã từng sử dụng.
Cũng có những thách thức khác mà người dân phải đối mặt, như nhiệt độ đang tăng lên. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nước sông, nước hồ, mà còn ảnh hưởng đến sinh kế. Vì vậy, cùng với các quốc gia khu vực sông Mekong, chúng tôi nỗ lực giải quyết những vấn đề này thông qua nhiều chương trình khác nhau.
Bà đánh giá như thế nào sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực này?
Một sự hợp tác tuyệt vời. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, đặc biệt là hiện nay, khi hai nước đã nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Trong khuôn khổ quan hệ đối tác Mekong-Mỹ, Việt Nam là nước dẫn đầu, luôn thúc đẩy sự hợp tác cũng như hành động vì các quỹ hỗ trợ. Tôi nghĩ, đặc biệt trong lĩnh vực về giới, những chương trình trao quyền cho phụ nữ và tương tự, không chỉ tác động đến Việt Nam mà còn tác động đến toàn bộ tiểu vùng sông Mekong.
Vì vậy, chúng tôi rất hài lòng với mối quan hệ hợp tác với Việt Nam cũng như với các nước trong khu vực, Việt Nam là một đối tác xuất sắc.
Chiến lược nào là cần thiết để Việt Nam có thể tận dụng nguồn tài chính xanh từ các nhà đầu tư quốc tế để phát triển nền kinh tế xanh và tạo sự bền vững?
Đây không thực sự là lĩnh vực chuyên môn của tôi, nhưng tôi biết có những chương trình hợp tác để có thêm nguồn tài chính cho các vấn đề về khí hậu. Và đây cũng là điều mà chúng tôi và một số quốc gia khác đang tham gia nhằm thúc đẩy nguồn tài chính cho những giải pháp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vấn đề này đặc biệt liên quan đến lĩnh vực năng lượng, trong việc tăng cường năng lượng tái tạo, loại bỏ dần các nhà máy than và giải quyết một số phát sinh mà tất cả chúng ta phải đối mặt khi chuyển sang thế hệ của những nguồn năng lượng tiếp theo.
Về vấn đề năng lượng sạch thì sao, thưa bà? Bà có khuyến nghị gì giúp Việt Nam thu hút được các nguồn lực quốc tế?
Việt Nam có nguồn tài nguyên dồi dào như gió và mặt trời. Về thu hút đầu tư, luôn cần nhìn vào yếu tố môi trường có thuận lợi để các công ty Mỹ và những tập đoàn đa quốc gia lớn khác có thể vào Việt Nam hoạt động và hợp tác với các công ty Việt Nam, có thể nhanh chóng thiết lập hệ thống mà họ mong muốn theo cách có lợi cho cả hai bên hay không.
Vì vậy tôi nghĩ rằng môi trường thuận lợi thực sự quan trọng. Bạn biết đấy, có một số công ty, không chỉ về năng lượng, cũng muốn tận dụng một phần năng lượng tái tạo đó.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã làm rất tốt nhưng có thể làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy quan hệ đối tác và đảm bảo rằng các đối tác có thể sử dụng mọi nguồn năng lượng tái tạo.
Theo bà, cần những hành động cụ thể nào để Việt Nam đạt được thành công đột phá trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng sạch?
Tôi cho rằng đó vẫn là môi trường thuận lợi mà tôi đã đề cập ở trên và đảm bảo các quy định được áp dụng một cách đúng đắn. Điều này giúp các công ty có thể hoạt động, không chỉ là về tuabin gió hay trang trại năng lượng mặt trời, mà còn là khả năng đưa năng lượng đó vào lưới điện và có thể chuyển nguồn năng lượng này đến nơi cần.
Vì vậy, tôi nghĩ Việt Nam có thể làm nhiều hơn nữa để tạo ra những điều kiện thuận lợi. Tôi biết rằng ở một mức độ nào đó, ASEAN quan tâm đến mạng lưới điện rộng khắp khu vực. Và tôi nghĩ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để trở thành nhân tố chủ chốt trong lưới điện khu vực.
Việt Nam cần nhìn về tương lai và thực sự có tham vọng về quá trình chuyển đổi năng lượng và coi đó là cơ hội để tăng trưởng kinh tế, đồng thời là cơ hội để giảm lượng khí thải carbon. Việt Nam sẽ nhanh chóng trở thành nước đi đầu trong một số công nghệ liên quan đến lĩnh vực này.