Sản xuất chip bán dẫn là một trong những lĩnh vực Mỹ muốn hợp tác với Việt Nam thời gian qua. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn trong nước tăng tốc trong thời gian tới.
PV VietNamNet đã có buổi trao đổi với ông Trần Đăng Hoà, Chủ tịch FPT IS – Công ty Thành viên Tập đoàn FPT- kiêm Chủ tịch FPT Semiconductor, để nghe những chia sẻ về tiềm năng cũng như cơ hội doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này.
Phóng viên: Ông có thể cho biết FPT hiện có bao nhiêu nhân lực đang làm lĩnh vực bán dẫn và quy trình sản xuất chip của FPT được thực thiện như thế nào?
Ông Trần Đăng Hoà: Tháng 3/2022, Công ty cổ phần bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) chính thức thành lập, để tập trung vào mảng bán dẫn. Việc thành lập FPT Semiconductor cũng là bước tiếp nối giấc mơ bán dẫn của nhiều thế hệ cha anh từ 1979 đến nay.
Về nhân sự, FPT Semiconductor đang có 100 nhân sự ở Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng, HCM) và 50 nhân sự ở nước ngoài (Nhật Bản, Đài Loan). Chúng tôi cũng mới thành lập Trung tâm R&D tại Đà Nẵng, trong đó, việc phát triển nguồn lực, hợp tác cùng Đà Nẵng trong thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực chip bán dẫn đang được đặt ra các kế hoạch cụ thể.
Thế hệ sản phẩm đầu tiên của FPT Semiconductor là dòng chip nguồn – Power Management IC. Trong năm 2022, FPT đã thiết kế, sản xuất được 3 dòng chip nguồn, dự kiến 2023, sẽ có thêm 7 dòng chip mới.
Trong đó, dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) ở lĩnh vực y tế với tiêu chí “chip Make in Vietnam, Made by FPT” ra mắt năm 2022 đã đánh dấu tên tuổi của FPT Semiconductor trên bản đồ công nghệ chip thế giới. Đây được xem là một bước đột phá trong hành trình khẳng định trí tuệ Việt.
Trong năm 2023 và đầu năm 2024, FPT Semiconductor sẽ tiếp tục thiết kế, sản xuất dòng chip IoT platform cho ứng dụng thiết bị thông minh, IoT cho nông, lâm, thủy hải sản. Để tối ưu về chi phí và doanh thu, FPT Semiconductor lựa chọn công nghệ thông dụng trên thế giới, là loại 130nm và 180nm, không phải công nghệ advance.
Năm 2022, chúng tôi có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên cho đối tác, với đơn đặt hàng 25 triệu chip trong 2 năm, 2024 và 2025. Hiện nay, đã trải qua giai đoạn R&D, đến giai đoạn triển khai sản xuất hàng loạt (mass production). Gần đây, FPT đã nhận được đơn đặt hàng 70 triệu chip trong 2 năm 2024 và 2025 cho các khách hàng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực thiết bị y tế và nhiều ứng dụng điện tử. Con số này gần gấp 3 lần so với kế hoạch đã đề ra.
Mới đây, Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) cũng đã trao chứng nhận thành viên cho FPT Semiconductor.
FPT Semiconductor đánh giá thế nào về tiềm năng sản xuất chip của Việt Nam, thưa ông?
Việt Nam đang được đánh giá có tiềm năng để phát triển ngành bán dẫn. Trên thực tế, đã có hơn 40 công ty ở Việt Nam đang làm trực tiếp đến ngành IC design. Và số lượng nhân sự trực tiếp là hơn 5.000 kỹ sư.
Theo thông tin từ Bộ TT&TT, Việt Nam đứng thứ ba về doanh số xuất khẩu chip bán dẫn sang Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan. Doanh thu từ thị trường Mỹ của ngành chip Việt Nam tăng 74,9%, từ 321,7 triệu USD trong tháng 2/2022 lên 562,5 triệu USD tháng 2/2023, chiếm 11,6% thị phần. Đây cũng là tháng thứ bảy liên tiếp chip “Made in Vietnam” đạt hơn 10% thị phần tại nước này.
Việt Nam đang dần quy tụ nhiều nhà máy sản xuất chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam. Số lượng chip tiêu thụ trong thời gian tới sẽ còn tăng trưởng nhiều hơn. Việt Nam có thể trở thành điểm cung cấp nguồn lực kỹ sư bán dẫn cho các công ty Mỹ, hoặc các công ty sản xuất chip ở Mỹ và dự kiến đến 2030, sẽ đào tạo và cung cấp 50.000 kỹ sư bán dẫn. Những kỹ sư này sẽ làm việc ở Mỹ, Nhật, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Đây là chương trình phát triển nguồn lực quốc gia.
Vừa qua, các doanh nghiệp Mỹ cho biết, sẽ đầu tư mạnh vào lĩnh vực chip tại Việt Nam, FPT Semiconductor có xem đây là một cơ hội cho mình hay không và chờ đón gì từ cơ hội này?
Vừa qua, FPT Semiconductor đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Silvaco – đối tác công nghệ lớn từ Mỹ để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và đẩy mạnh kinh doanh ở lĩnh vực giàu tiềm năng này. Chúng tôi cung cấp IP (Intellectual Property) trên nền tảng của Silvaco để công ty này cung cấp cho khách hàng. Silvaco và FPT cũng hợp tác phát triển kinh doanh trong lĩnh vực Standard Cell, IO, Memory design. Về lâu dài, Silvaco trở thành nhà đầu tư chiến lược của FPT Semiconductor JSC. FPT Semiconductor cũng là đại diện và nhà phân phối độc quyền phần mềm của Silvaco trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam.
FPT cũng cam kết thúc đẩy đầu tư tại Mỹ, phát triển AI và ngành công nghiệp bán dẫn tại Hội nghị cấp cao Việt Nam – Mỹ về Đổi mới sáng tạo và đầu tư được tổ chức nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden.
Đến cuối năm 2023, FPT có gần 1.000 nhân lực tại Mỹ và dự kiến đầu tư 100 triệu USD mỗi năm trong vòng 5 năm tới tại Mỹ. Tập đoàn kỳ vọng sẽ tạo ra thêm 3.000 việc làm vào năm 2028 và đạt doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường Mỹ trước năm 2030.
Theo đánh giá của FPT Semiconductor, liệu doanh nghiệp Việt Nam có đáp ứng được các điều kiện của các doanh nghiệp Mỹ đưa ra khi đầu tư vào sản xuất chip tại Việt Nam hay không?
Doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư vào R&D, cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ, quản lý dữ liệu và tăng cường đổi mới sáng tạo.
Ông có thể cho biết, muốn phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip tại Việt Nam thì cần có những chính sách gì để thúc đẩy?
Tổ chức, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ để khuyến khích sự hợp tác giữa doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam và trên thế giới. Điều này bao gồm việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại, tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch, đẩy mạnh việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ.
Chúng tôi đã đề xuất với Bộ TT&TT cùng Bộ KH&CN thành lập liên minh phục vụ cho việc xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn. Nếu liên minh này được thành lập, đây sẽ là chương trình quốc gia với quy mô rất lớn.
Thêm vào đó, Việt Nam đang rất thiếu nhân lực trong ngành bán dẫn, đồng thời chưa có nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành này. Vì vậy, trong nước cần chú trọng đầu tư xây dựng nguồn nhân lực trẻ, tay nghề cao, được đào tạo bài bản. Góp phần hiện thực hóa mục tiêu này, mới đây, Đại học FPT đã công bố thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam. Khoa dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.