Trả lời phỏng vấn của VietNamNet, Giáo sư Hà Dương Minh, nhà khoa học người Pháp gốc Việt chuyên nghiên cứu về môi trường và phát triển, đã bày tỏ quan điểm về những chiến lược, chính sách và sáng kiến quan trọng mà Việt Nam nên ưu tiên để đạt được sự phát triển bền vững đồng thời duy trì phúc lợi xã hội và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Giáo sư đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hướng tới sự phát triển bền vững?
Theo quan điểm của tôi, Việt Nam có thể được coi là quốc gia kiểu mẫu về phát triển kinh tế xã hội và chúng ta cũng hội đủ điều kiện để trở thành một ví dụ điển hình trên thế giới về phát triển bền vững.
Với vị trí chiến lược, nền kinh tế sôi động và cam kết tăng trưởng xanh, Việt Nam có thể sẽ là một ví dụ thành công trong vừa phát triển kinh tế nhanh chóng vừa chuyển dịch sang một nền kinh tế phát thải ít carbon..
Bằng cách khai thác nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và hợp tác với các đối tác quốc tế, Việt Nam có thể truyền cảm hứng cho các quốc gia đang phát triển khác và chứng minh rằng một nền kinh tế xanh không chỉ khả thi mà còn mang đến thịnh vượng.
Với kiến thức và kinh nghiệm về kinh tế phát triển bền vững, ông cho rằng những chiến lược nào là cần thiết để Việt Nam phát triển trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng? Làm thế nào Việt Nam có thể tận dụng nguồn tài chính xanh (các khoản đầu tư có tác động tích cực đến môi trường – PV) từ các nhà đầu tư quốc tế để phát triển nền kinh tế xanh và tạo sự bền vững?
Tôi cho rằng có 3 chiến lược chính để Việt Nam xây dựng nền kinh tế xanh thịnh vượng:
Một là đơn giản hóa các quy định/quy trình để khuyến khích đầu tư vào các nguồn năng lượng tự nhiên.
Hai là đào tạo nhân lực có những kỹ năng cần thiết cho công việc trong các ngành thân thiện với môi trường.
Ba là hợp tác với các nước khác để có được nguồn tài trợ, kinh nghiệm và công nghệ cho các dự án môi trường.
Bằng cách tạo ra một môi trường hấp dẫn cho các đầu tư xanh, Việt Nam có thể thu hút được nguồn vốn cần thiết – hơn 10 tỷ USD mỗi năm – cho các dự án năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng bền vững. Người ta vẫn thường nói “Đừng chờ đợi những cơ hội, hãy tự mình tạo ra chúng”.
Việt Nam cần ưu tiên những chính sách và sáng kiến nào để đạt được phát triển bền vững mà không ảnh hưởng đến phúc lợi xã hội?
Một quy hoạch hợp lý để chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hơn sẽ đảm bảo mọi người đều được hưởng lợi. Việt Nam có câu: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Việt Nam nên ưu tiên các chính sách toàn diện nhằm thúc đẩy cả sự bền vững về môi trường lẫn công bằng cho các cộng đồng, ngành nghề liên quan trong quá trình chuyển dịch
Đối với các cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa, kết nối với lưới điện quốc gia vẫn là yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất năng lượng sạch tại địa phương như thủy điện nhỏ hoặc năng lượng mặt trời cũng ngày càng thể hiện sự hiệu quả về mặt chi phí.
Người lao động trong các ngành công nghiệp phát thải nhiều carbon trên thế giới đang có những đề xuất về các chương trình hỗ trợ chuyển dịch sang các ngành công nghiệp phát thải thấp. Ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi đã có hướng phát triển khả thi là điện gió ngoài khơi. Đối với ngành điện than, chúng ta cần nhiều thời gian hơn để chuyển đổi vì các nhà máy điện còn khá mới.
Hệ thống an sinh xã hội cần được duy trì và cải thiện, đặc biệt về khả năng chi trả phí năng lượng cho các hộ nghèo.
Ông khuyến nghị những hành động cụ thể nào để Việt Nam đạt được thành công đột phá?
Giống như các cải cách trong quá trình Đổi mới đã giúp giải phóng tiềm năng kinh tế của Việt Nam, một cách tiếp cận mạnh mẽ và sáng tạo đối với quá trình chuyển dịch năng lượng có thể thúc đẩy sự tăng trưởng mang tính đột phá.
Theo tôi, Việt Nam nên tập trung thực hiện quy hoạch phát triển năng lượng, triển khai nhanh chóng các dự án sử dụng năng lượng tái tạo đã được chứng thực tính khả thi như năng lượng mặt trời và gió, với mục tiêu lắp đặt các hệ thống pin mặt trời trên hơn một nửa số mái nhà vào năm 2030. Thí điểm các giải pháp đổi mới như nhà máy sản xuất pin lưu trữ công suất lớn và lưới điện thông minh là rất quan trọng. Khuyến khích phát triển một hệ sinh thái cho các công ty khởi nghiệp và đổi mới công nghệ sạch cũng rất cần thiết.
Là chuyên gia về chuyển dịch năng lượng, theo ông Việt Nam có nên kỳ vọng đột phá trong thu hút đầu tư chuyển đổi nguồn điện? Việt Nam cần làm gì để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực nguồn điện tái tạo?
Với những chính sách hợp lý, Việt Nam có tiềm năng to lớn để thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo. Chúng ta có nguồn năng lượng mặt trời và gió ngoài khơi dồi dào và những mục tiêu phát triển năng lượng sạch đầy triển vọng. Hiện là lúc “chẳng những nói hay mà còn làm hay”.
Chìa khóa để thu hút đầu tư là giảm thiểu rủi ro, vì điều này trực tiếp dẫn đến chi phí vốn thấp hơn. Điều này nên được hiện thực hóa bằng cách triển khai các chính sách cụ thể và ổn định. Một khi những dự án đầu tiên có hiệu quả, một loạt dự án có khả năng huy động vốn sẽ theo sau. Bằng cách thể hiện cam kết rõ ràng và tạo môi trường đầu tư thuận lợi, Việt Nam có thể khai thác làn sóng vốn xanh.
Ông đã nhìn thấy cơ hội nào cho việc thúc đẩy hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Pháp/châu Âu trong lĩnh vực năng lượng?
Các cơ hội hợp tác năng lượng sạch Việt – Pháp/châu Âu đầy hứa hẹn bao gồm các chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) chung về lưới điện thông minh, hydro xanh, điện mặt trời nổi và điện mặt trời áp mái trong sản xuất nông nghiệp. Việc các tổ chức như AFD (Cơ quan phát triển Pháp) hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho ngành năng lượng của Việt Nam, thông qua các dự án và tài trợ doanh nghiệp, cũng rất quan trọng.
Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam, trong đó có các đối tác châu Âu, có đóng góp lớn và luôn tìm kiếm những đề xuất thú vị cùng các chuyên gia có trình độ cho các dự án chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam. Hợp tác đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, chẳng hạn như sự hợp tác giữa EDF (Tập đoàn điện lực Pháp) và EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) trong lĩnh vực nhiệt điện và năng lượng tái tạo ở Việt Nam, cũng có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Như nhà thơ người Pháp Victor Hugo đã nói: “Nơi ý tưởng vĩ đại gặp được ý chí vĩ đại, không có gì là không thể”.
Theo ông, làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng khoa học hai nước cùng hợp tác, chia sẻ kiến thức trong lĩnh vực năng lượng?
Tôi cho rằng, để thúc đẩy hợp tác kinh doanh và khoa học Việt – Pháp/châu Âu trong ngành năng lượng, chúng ta cần: Một là hỗ trợ trao đổi nhân lực và các trung tâm đổi mới sáng tạo chung. Hai làm thống nhất các tiêu chuẩn và hạn chế các rào cản chuyển giao công nghệ. Ba là đề ra các ưu đãi cho quan hệ đối tác năng lượng xuyên biên giới.
Những nỗ lực chủ động kết nối các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có thể đẩy nhanh việc chia sẻ kiến thức vì lợi ích chung. Người Việt chúng ta có câu “Trí tuệ Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Làm thế nào chúng ta có thể truyền cảm hứng cho giới trẻ Việt Nam và Pháp tham gia vào lĩnh vực năng lượng và thúc đẩy những đột phá mới?
Giới trẻ nên được đào tạo đủ kiến thức để thúc đẩy những đột phá cần thiết cho một hệ thống năng lượng bền vững trong tương lai. Việc truyền cảm hứng cho giới trẻ tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng đòi hỏi sự nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và sự hứng thú với các nghề liên quan năng lượng sạch. Diễn đàn Sinh viên về năng lượng bền vững tại Hà Nội vào tháng 1/2022 là một ví dụ cho việc truyền cảm hứng này.
Đầu tư vào giáo dục STEM và các chương trình tái đào tạo kỹ năng phù hợp với nhu cầu của ngành năng lượng sạch là điều thiết yếu vì sự nhiệt tình của tập thể có khả năng vượt qua nhiều thách thức và sức ì. Việc tạo ra diễn đàn cho các nhà đổi mới trẻ phát triển và nhân rộng các ý tưởng mới, như Chương trình New Energy Nexus Việt Nam tại TP.HCM cũng rất quan trọng.
Theo ông, làm thế nào Việt Nam có thể hợp tác với các đối tác quốc tế để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu và đạt được các mục tiêu về khí hậu, giúp Việt Nam không chỉ là “người tham gia” mà còn là “người thay đổi cuộc chơi” trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu?
Việt Nam có thể là quốc gia thay đổi cuộc chơi trong chương trình hành động vì khí hậu bằng cách chứng minh các lợi ích kinh tế xã hội của quá trình chuyển dịch năng lượng sạch nhanh chóng cho các nền kinh tế đang phát triển; ủng hộ các chính sách khí hậu tham vọng hơn và hỗ trợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương trên các diễn đàn quốc tế cũng như thiết lập liên minh với các nhà lãnh đạo toàn cầu khác về khí hậu để cùng nhau đầu tư vào các giải pháp thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Việc Việt Nam là thị trường năng lượng mặt trời lớn thứ 3 trên thế giới vào năm 2020 là điều đáng mừng, nhưng cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm. Bằng cách vượt lên trên sức nặng của mình, Việt Nam có thể thúc đẩy hành động táo bạo về khí hậu toàn cầu.
Giáo sư có ý kiến ra sao về việc hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành năng lượng ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước?
Xây dựng lực lượng lao động trong các lĩnh vực năng lượng sạch của Việt Nam là rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu phát triển. Chúng ta cần cập nhật chương trình giảng dạy và mở rộng chương trình năng lượng tại các trường đại học, dạy nghề; thành lập các trung tâm quốc gia tiên tiến về nghiên cứu và đổi mới năng lượng, chẳng hạn như bắt đầu từ công nghệ điện gió ngoài khơi và công nghệ lưu trữ năng lượng mặt trời; phát triển quan hệ đối tác trong ngành năng lượng và đào tạo nghề để cung cấp các khóa đào tạo kết hợp thực hành.
Một cách tiếp cận toàn diện để phát triển nguồn nhân lực sẽ đảm bảo Việt Nam có đủ lực lượng lao động chất lượng cao để thúc đẩy tham vọng năng lượng của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Học để làm việc. Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh ”. Với tinh thần đó, cá nhân tôi luôn tìm kiếm các cơ hội hợp tác học thuật. Hãy liên hệ với tôi nếu bạn cần một giáo sư kỹ sư – kinh tế, chuyên gia về năng lượng sạch và phát triển bền vững.
Giáo sư Hà Dương Minh đã thành lập phòng thí nghiệm Năng lượng sạch và Phát triển bền vững (CleanED) tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) tháng 12/2014. Đặc biệt, ông là tác giả chính của Báo cáo Đánh giá 4 và 5 của IPCC, đồng trao giải Nobel Hòa bình năm 2007.
GS Hà Dương Minh sẽ là một trong 100 người Việt và gốc Việt xuất sắc đến từ hơn 20 quốc gia, có tầm ảnh hưởng toàn cầu trong tất cả các lĩnh vực tham gia Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 – VGLF 2024 do tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt nam toàn cầu (AVSE Global) khởi xướng, diễn ra tại Paris, Pháp vào cuối tháng 3.
VGLF 2024 quy tụ 100 người Việt và gốc Việt có tầm ảnh hưởng trên thế giới hướng đến việc tạo dựng một cộng đồng, kết nối các cá nhân xuất sắc từ đa dạng lĩnh vực, để cùng nhau tìm kiếm hướng đi mới cho Việt Nam thông qua việc gắn kết tinh hoa trí tuệ, gắn kết Việt Nam và thế giới.
Tác giả: Thái An – Tuấn Anh
Thiết kế: Nguyễn Ngọc
Vietnamnet.vn