Số liệu mới nhất năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ số giới tính khi sinh là 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái. Hiện cả nước có 21 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao hơn mức trung bình cả nước, như Sơn La (117), Nghệ An (116,6), Hà Nội (112)… Trong khi đó, nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ có tỷ số dưới 108.
Các nhà khoa học đã dự báo nếu tình trạng này không được giải quyết thì so với số nữ giới để lập gia đình, nước ta sẽ “dư thừa” 2,3-4,3 triệu nam giới vào năm 2050. Điều này sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc vào cơ cấu dân số nước ta và dẫn đến những hệ lụy sâu rộng, lâu dài cho các vấn đề xã hội.
Theo các chuyên gia, thực trạng đáng chú ý là mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam cao ngay từ lần sinh đầu tiên, cao hơn hẳn ở những lần sinh sau. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu vẫn là do định kiến giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ăn sâu vào từng người dân Việt.
Bên cạnh đó, lạm dụng khoa học kỹ thuật để lựa chọn giới tính thai nhi cũng là nguyên nhân chính.
Tổng cục Dân số cho hay các nghiên cứu của quốc tế và Việt Nam đã chỉ ra các hệ lụy trong tương lai của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay.
Tình trạng thiếu hụt số trẻ em gái quan sát được gần đây ở nhiều quốc gia sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt phụ nữ ở tất cả các nhóm tuổi trong tương lai. Theo các nhà khoa học xã hội, tác động chính của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân.
Nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với nữ do tỉ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. Nam giới có thể trì hoãn hôn nhân hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân do tình trạng thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn.
Đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng vào năm 2030?
Năm 2017, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, dưới 109 bé trai/100 bé gái. Theo Tổng cục Dân số, với mục tiêu này mỗi năm tiếp theo phải giảm 0,4 điểm phần trăm. Trong khi 8 năm trước mỗi năm chỉ giảm được 0,1 điểm phần trăm. Để đạt được mục tiêu đề ra, Tổng cục Dân số cho rằng sẽ rất khó khăn và cần thực hiện nhiều giải pháp như tiếp tục tuyên truyền người dân; nâng cao trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế. Đồng thời, có chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi lạm dụng khoa học công nghệ trong chẩn đoán giới tính thai nhi, can thiệp lựa chọn giới tính trước khi sinh. |