Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề xuất 3 trụ cột hợp tác về kinh tế số Nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số: Doanh nghiệp thực sự cần gì? |
Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bình Minh – Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) về vấn đề này.
Theo báo cáo của Google, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2025 và đang trên đà đạt khoảng 45 tỷ USD vào năm 2025, nhanh nhất Đông Nam Á? Với vai trò đại điện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ông đánh giá như thế nào sự tăng trưởng của nền kinh tế số tại Việt Nam trong những năm tới?
Theo tôi, đây là một dự đoán có căn cứ vững chắc. Nó cũng thể hiện kết quả của quá trình phát triển thương mại điện tử bùng nổ trong giai đoạn vừa qua, dù phải chịu tác động lớn của tình hình kinh tế khó khăn sau đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới.
Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam |
Với cơ cấu dân số trẻ, khả năng chuyển đổi số người tiêu dùng diễn ra mạnh mẽ, sức tiêu dùng số ngày càng tăng. Nền tảng hạ tầng cũng được nâng cấp liên tục tạo nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp tham gia thị trường.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý của Việt Nam cũng đã có nhiều sự điều chỉnh kịp thời, điều này đã tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển thuận lợi và đúng định hướng. Với nhiều động lực trong quan hệ kinh tế quốc tế, vị thế của Việt Nam trên thị trường hiện nay cũng ngày càng lên cao thì nền kinh tế số Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh và ổn định trong những năm tới.
Thực tế phản ánh, các doanh nghiệp công nghệ được coi là nhân tố quan trọng để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ, góp phần giúp Việt Nam đi nhanh hơn trên con đường phát triển kinh tế số? Ông đánh giá như thế nào về việc các doanh nghiệp thích ứng với nền kinh tế số hiện nay và kết quả ra sao?
Các doanh nghiệp Việt Nam đều có nguồn nhân lực trẻ, ngày càng được đào tạo tốt hơn về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ nên việc ứng dụng công nghệ cũng ngày càng được chú trọng.
Các doanh nghiệp cũng trở nên tin tưởng vào sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử và sự phát triển của nền kinh tế số. Các nền tảng số của Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển của các nghiệp. Năng lực chuyển đổi số của các doanh nghiệp có bước tiến bộ đáng kể. Đặc biệt là có nhiều doanh nghiệp công nghệ có khả năng tiến hóa số rất tốt.
Việc ứng dụng ngày càng nhiều công nghệ thông tin và truyền thông nói chung và các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như trí thông minh nhân tạo (AI), kết nối vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain),… nói riêng, cho thấy khả năng thích ứng tốt của các doanh nghiệp Việt Nam với các nhân tố thay đổi của nền kinh tế số và khả năng đổi mới sáng tạo đang được cải thiện rõ rệt.
Với dân số trẻ, khả năng chuyển đổi số người tiêu dùng diễn ra mạnh mẽ, sức tiêu dùng số ngày càng tăng là cơ sở để Việt Nam đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng. |
Để kinh tế số tạo đà tăng trưởng, việc gỡ vướng từ hành lang pháp lý là rất quan trọng. Vậy thưa ông, ông đánh giá như thế nào về khung khổ pháp lý hiện nay trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam?
Thực tế cho thấy, hành lang pháp lý hỗ trợ cho thương mại điện tử và kinh tế số trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường. Nhưng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thì việc liên tục hoàn thiện các quy định pháp luật là hết sức cần thiết để duy trì đà tăng trưởng.
Năm 2023, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi với nhiều nâng cấp phù hợp với thực tiễn phát triển. Các cơ quan như Bộ Công Thương cũng đang nhanh chóng hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn cho 2 luật quan trọng này nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế số theo hướng bền vững, xanh, bao trùm. Điều này cho thấy, khung pháp lý ngày càng đầy đủ và tạo hành lang đủ sức giúp các doanh nghiệp tăng tốc nhưng vẫn đảm bảo được sự lành mạnh và bền vững của thương mại điện tử và nền kinh tế số.
Bên cạnh đó, các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề cũng đã tích cực tham gia góp ý, phản biện và tiếp tục hỗ trợ các cơ quan hoàn thiện, bổ sung các quy định theo hướng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, vừa đảm bảo mức độ tăng trưởng ổn định và vững chắc của thị trường.
Để nền kinh tế số ngày càng phát triển theo xu thế toàn cầu, theo ông, Việt Nam cần thực hiện những giải pháp gì để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số trong thời gian tới?
Theo tôi, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý là động lực quan trọng thì việc định hướng và trợ giúp các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng sâu rộng công nghệ số là một nhân tố rất quan trọng giúp các doanh nghiệp tăng trưởng.
Trong đó, việc lựa chọn định hướng các ngành mũi nhọn mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nổi trội và ưu tiên các công nghệ mới theo hướng thông minh và bền vững sẽ là động lực chính. Ngoài ra, cần tiếp tục phát triển, duy trình khả năng mở rộng nhanh chóng của thị trường như tạo điều kiện cho các hoạt động marketing số, tài chính số trong thời gian tới.