Chia sẻ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Hạ nghị sĩ Kobayashi cho biết đã thăm Hà Nội lần đầu tiên vào năm 2016 khi tháp tùng Thủ tướng Kishida Fumio khi còn là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
“Năm 2022, tôi sang thăm TP.HCM, chỉ trong 6 năm đã chứng kiến sự thay đổi rất lớn trong phát triển của Việt Nam”, ông Kobayashi nói.
Theo ông, nhân lực của Việt Nam rất thành công tại Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin, là “sức mạnh mềm” mà Nhật Bản phải học hỏi. Hai nước cần hợp tác để tận dụng nguồn “sức mạnh mềm” này, nhất là trong giai đoạn mới hiện nay. Hiroshima có thế mạnh về sản xuất chất bán dẫn, nhiều doanh nghiệp về cơ khí chính xác muốn đầu tư sang Việt Nam…
Đại diện Liên đoàn Kinh tế khu vực Kyushu cho rằng, môi trường kinh doanh Việt Nam hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp của vùng muốn đầu tư vào Việt Nam; đề nghị Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh cấp phép, thủ tục đơn giản, nhanh chóng hơn.
Lo giá đất Việt Nam tăng cao
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Mazda cho biết đã hợp tác kinh doanh với Tập đoàn Thaco từ năm 2011; riêng năm 2022 bán được hơn 30.000 xe ô tô, với 4 mẫu xe được sản xuất tại Chu Lai (tỉnh Quảng Nam). Chia sẻ nhu cầu về năng lượng mới khi Việt Nam cũng có mục tiêu trung hòa carbon như nâng cao sử dụng năng lượng tái tạo, xe điện dùng pin, đại diện Mazda đề nghị Chính phủ có chính sách kỹ thuật với xe điện, chuyển dịch kinh tế tuần hoàn, phục vụ biến đổi khí hậu.
Chia sẻ từ thực tế sản xuất tại Việt Nam, đại diện Tập đoàn Rorze (sản xuất chất bán dẫn – PV) cho biết có 10 công ty con. Sản phẩm của công ty được sử dụng trong những robot hàng đầu thế giới và đều là sản phẩm được sản xuất từ nhà máy trong khu công nghiệp Nomura (Hải Phòng).
Công ty này đã đầu tư 134 triệu USD, hiện có 3.000 nhân viên tại Việt Nam. Nhà máy ở Việt Nam cũng là nhà máy quan trọng nhất của tập đoàn Nhật Bản này, với nhiều công đoạn sử dụng các đơn hàng từ các công ty địa phương của Việt Nam.
“Về môi trường đầu tư, đề nghị Chính phủ tích cực thúc đẩy năng lượng xanh, cung ứng điện ổn định. Khách hàng cuối cùng là Apple đưa ra cam kết trung hòa carbon vào năm 2030 nên chúng tôi cần hưởng ứng năng lượng xanh”, đại diện Tập đoàn Rorze cho biết.
Đáng chú ý, theo vị đại diện Tập đoàn Rorze, tình trạng thiếu điện mùa hè ảnh hưởng tới sản xuất, vì thế mong muốn Chính phủ cải thiện vấn đề này; bên cạnh đó, giá đất ở Việt Nam tăng cao, chưa có dấu hiệu dừng lại, ảnh hưởng tới đầu tư. Dù vậy, tập đoàn này khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng vì coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất quan trọng.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất dệt may cho biết đã đầu tư mở rộng 7 tỉ yen xây một nhà máy tại Nghệ An trong giai đoạn Covid-19 khó khăn. Lý do, Việt Nam có môi trường dễ thuê lao động, là cứ điểm sản xuất, xuất khẩu sang Nhật Bản.
Để đầu tư mở rộng, đại diện doanh nghiệp này cũng mong muốn Chính phủ hỗ trợ thủ tục hành chính như giấy phép đầu tư dễ dàng hơn; xóa bỏ tình trạng tắc nghẽn khi thực hiện thủ tục tập trung…
Thủ tướng kêu gọi tăng cường đầu tư vào Việt Nam
Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Hiroshima – thành phố biểu tượng của hòa bình và khát vọng phát triển đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh G7 và Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng.
Ông nhắc lại ấn tượng khi tới thăm Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima, nơi tưởng niệm các nạn nhân đã thiệt mạng do bom nguyên tử trong chiến tranh thế giới thứ hai; bày tỏ ấn tượng về ý chí, nghị lực và sự đoàn kết, quyết tâm cao của người dân Nhật Bản và Hiroshima để đứng dậy từ sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh.
Theo Thủ tướng, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử, xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng trên cơ sở chân thành, tình cảm, tin cậy. Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư thứ 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Nguồn vốn ODA của Nhật Bản góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản thời gian qua tăng nhanh nhất trong số các cộng đồng người Việt tại nước ngoài, hiện đã đạt gần nửa triệu người, đứng thứ 2 trong số các cộng đồng người nước ngoài tại Nhật Bản.
Về đầu tư, Nhật Bản có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỉ USD, đứng thứ 3/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã có 106 dự án đầu tư sang Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 19,5 triệu USD.
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai nước năm 2022 tiếp tục phát triển theo hướng cân bằng, đạt gần 50 tỉ USD và đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Thủ tướng cũng chia sẻ Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng nhu cầu nhân lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ông kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, ô tô điện, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển…
Đồng thời, mong muốn phía Nhật Bản, các nhà đầu tư tích cực hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trên cả 5 khía cạnh (thể chế, vốn, công nghệ, nhân lực, quản trị); đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu theo xu hướng xanh hóa, giảm phát thải.