Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Hội nhập Quốc tế, phát biểu chỉ đạo phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ nhất về hội nhập quốc tế. |
Cách đây 10 năm (ngày 10/3/2013), Bộ Chính trị khoá XI ban hành Nghị quyết 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế. Đây là văn bản có ý nghĩa định hướng chiến lược, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta; thống nhất nhận thức và hành động trong giai đoạn nước ta bắt đầu chuyển mạnh từ hội nhập kinh tế quốc tế sang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng, an ninh đến văn hoá, xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, Hội nhập quốc tế làm cho tiềm lực đất nước được nâng lên, quan hệ quốc tế được mở rộng, hiện nước ta có quan hệ kinh tế với gần 200 quốc gia trên thế giới. Đất nước ta đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, tiềm năng, cơ hội còn nhiều, cần phát huy tối đa, tranh thủ cơ hội, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám hành động, xác định rõ nhiệm vụ ưu tiên, lộ trình thực hiện. Hội nhập phải xuất phát từ thực tiển, bắt nguồn từ thực tiển, lấy thực tiển làm thước đo trong quá trình lãnh đạo, điều hành. Từ đó, định hình hoạt động hội nhập quốc tế cho phù hợp với tình hình quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, các bộ, ngành, địa phương đánh giá các kết quả, những tồn tại, hạn chế và các bài học kinh nghiệm rút ra trong triển khai Nghị quyết 22 của đơn vị, địa phương mình, theo đó đề xuất những chủ trương, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để Ban Chỉ đạo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành dự phiên họp tại điểm cầu Cà Mau. |
Thực tiễn triển khai Nghị quyết 22 trong 10 năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, cho thấy đây là một định hướng chiến lược hết sức đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước ta, góp phần đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định rõ đánh giá của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với 7 nước lên đối tác chiến lược hoặc đối tác chiến lược toàn diện; 7 nước lên đối tác toàn diện, góp phần tạo ra mạng lưới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn; chính thức tham gia vào các hoạt động gìn giữ hoà bình cũng như tham gia sâu rộng vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và liên kết thương mại thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA…, góp phần củng cố và tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, rộng mở cho phát triển đất nước./.
Hồng Phượng