Tiến sĩ Đinh Ngọc Minh, giảng viên cao cấp ngành trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật phần mềm Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ về những xu hướng không thể bỏ qua trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Các xu hướng được đề cập trong bài nghiên cứu bao gồm: xử lý ngôn ngữ tự nhiên, công nghệ thị giác máy tính tiên tiến, học tăng cường, AI sáng tạo, tăng cao nhu cầu chuyên gia AI ở Việt Nam.
Về xử lý ngôn ngữ tự nhiên, sự gia tăng nhanh chóng việc sử dụng các thiết bọ xách tay như điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính xách tay cho doanh nghiệp những giao diện mới để kết nối với khách hàng qua trang web và các kênh mạng xã hội.
Có thể thấy những bước đột phá mạnh mẽ như GPT-3, có thể tạo ra tác phẩm tiểu thuyết sáng tạo, phát triển mã máy tính và tóm tắt kho tài liệu nghiên cứu lớn. Tuy nhiên, tiềm năng đầy đủ của xử lý ngôn ngữ tự nhiên vẫn đang được tiếp tục khám phá.
Trong những năm sắp tới chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những tiến bộ hơn trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên, đặc biệt trong việc xử lý dữ liệu đa ngôn ngữ. Tác động sẽ lan rộng trong các lĩnh vực tài chính, dịch vụ, giải trí,… trong đó đối tượng mục tiêu không còn giới hạn ở các khu vực hoặc ngôn ngữ cụ thể. Xử lý ngôn ngữ tự nhiên sẽ tiếp tục phát triển để đáp ứng nhu cầu khai thác ý kiến của người tiêu dùng, hiểu nhu cầu của khách hàng và cá nhân hóa các lựa chọn công việc và giải trí.
AI nhanh chóng hoàn thiệt trong lĩnh vực hình ảnh và thị giác máy tính với sự ra đời gần đây của các kỹ thuật học sâu, học không giám sát và học tích cực.
Công nghệ thị giác máy tính tiên tiến sẽ có thể xử lý một số thách thức lớn nhất trong việc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trong y khoa. Thay vì bác sĩ mất nhiều thời gian và nỗ lực khi phân tích hình ảnh X quang. Giờ đây, các bác sĩ không phải quét qua hàng nghìn bản chụp CXR và CT, mà thay vào đó họ có thể sử dụng hệ thống AI tự động giúp xác định những bản chụp quan trọng nhất để có thể đẩy nhanh việc đưa ra quyết định.
Học tăng cường mô phỏng một môi trường thực tế, trong đó các tác nhân khám phá và điều chỉnh hành vi của chúng để tối đa hóa phần thưởng (và/hoặc giảm thiểu hình phạt). Mô hình học tập này hiệu quả vì nó bắt chước cách chúng ta học trong cuộc sống thực, nơi không phải lúc nào chúng ta cũng đưa ra quyết định chính xác hoặc thực hiện một hành động an toàn hoàn toàn.
So với học có giám sát, trong đó học sâu đã mang lại những đột phá đáng kể, học tăng cường vẫn chưa thực sự tỏa sáng. Tuy nhiên, vì chúng ta mong đợi các tác nhân nhân tạo sẽ đưa ra những quyết định phức tạp trong khi vẫn đảm bảo những mục tiêu dài hạn, học tăng cường sẽ tiếp tục là một trong những xu hướng thú vị nhất của AI.
Xu hướng mới nổi của AI có khả năng sáng tạo bao hàm các phương pháp học máy, trong đó có NLP, nhằm mục đích tạo ra sản phẩm rất thực, và có thể là nguyên bản, bằng khả năng học hỏi đặc điểm và nội dung từ dữ liệu theo miền cụ thể.
Chẳng hạn, các thuật toán AI sáng tạo có thể sáng tác các bản nhạc, tạo ra các tác phẩm văn học hoặc tạo ra các bức tranh khi được giao cho những chủ đề cụ thể, và vì vậy thể loại AI này có tác động đáng kể đến giáo dục, sáng tạo và truyền thông.
Thị trường việc làm Việt Nam cho thấy nhu cầu đáng kể đối với tài năng AI để đáp ứng chiến lược quốc gia nêu trên. Báo cáo thị trường CNTT Việt Nam của TopDev chỉ ra rằng các kỹ sư AI và học máy có thể nhận được mức lương trung bình hàng tháng cao nhất trong số các kỹ sư CNTT, đạt tới 3.054 đô la Mỹ, tính đến quý 2/2021.
Với xu hướng hiện tại của thị trường việc làm Việt Nam, các vị trí được trả lương cao nhất trong lĩnh vực CNTT đòi hỏi các kỹ năng đặc biệt như phân tích dữ liệu, DevOps, học máy hoặc AI. Xu hướng này trên thị trường việc làm cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao chuyên môn về AI và khoa học dữ liệu đối với các chuyên gia CNTT để có thể duy trì vị thế cạnh tranh.
Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, nhằm đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI trong khối ASEAN. Để thực hiện mục tiêu đó, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ra mắt Mạng lưới hợp tác trí tuệ nhân tạo Việt Nam – Australia. Theo tổ chức này, cả nước sẽ cần thêm khoảng một triệu nhân lực CNTT-TT vào năm 2030 và nhu cầu về nhân tài AI dự kiến sẽ không ngừng tăng lên.