Theo đó, việc kiểm soát các sản phẩm thuốc lá dù thuốc lá điếu hay thuốc lá mới cần dựa trên mức độ độc hại, tức sản phẩm nào càng hại thì càng được quản lý nghiêm ngặt.
Lấy xu hướng toàn cầu và thực tiễn trong nước làm cơ sở quản lý
Việc quản lý thuốc lá mới, tại tọa đàm các chuyên gia nhấn mạnh cần nhìn đa chiều thay vì chỉ tập trung ở góc độ kinh tế, hay chỉ sức khỏe. Ở góc độ kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội phân tích lợi thế của Việt Nam khi đã có 184 quốc gia đi trước trong việc quản lý thuốc lá nung nóng (TLNN).
Từ đó, TS. Phong kiến nghị: “Chúng ta phải lấy số đông để làm kiểm chứng. Khi chúng ta chưa đủ sức kiểm chứng thì có bao nhiêu nước ủng hộ, bao nhiêu nước phản đối trên tổng số trên thế giới, chúng ta theo số đông”.
Bên cạnh đó, góc độ người tiêu dùng theo nhận định của bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhìn nhận: “Người tiêu dùng cần có đủ thông tin, đủ điều kiện để xem xét và quyết định có lựa chọn hay không và sử dụng ở mức độ nào”.
Theo đánh giá của TS. Phong, điểm hạn chế của tình hình quản lý trong nước nằm ở việc sản phẩm chưa được Nhà nước quản lý toàn diện chất lượng hay quy trình sản xuất, dù gắn chặt với nhu cầu người tiêu dùng. “Điều này là một thước đo cho thấy rằng tầm nhìn, năng lực, trách nhiệm quản lý cũng như là hiệu quả quản lý chưa tới, vẫn để một bộ phận nằm ngoài sự quan sát, trong khi Nhà nước là quản lý toàn diện”, ông Phong nêu quan điểm.
Điểm nghẽn đối với chính sách thuốc lá mới: Do năng lực hay trách nhiệm?
Phân tích điểm nghẽn trong việc chưa thống nhất quan điểm giữa Bộ Y tế và Bộ Công thương, ông Phongcho rằng, đề xuất cấm của Bộ Y tế hợp lý ở góc độ xuất phát từ nỗi lo về hệ lụy sức khỏe cộng đồng. Theo ông Phong: “Bộ Y tế đề nghị cấm cũng là để giảm bớt tác hại tiềm tàng, đồng thời cũng giảm bớt trách nhiệm cho họ”.
Tuy vậy, Bộ Công thương cũng có cơ sở khi đề xuất quản lý vì mục tiêu đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo kinh tế Nhà nước. Bởi theo Luật Đầu tư, thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, vì vậy cần được hợp pháp hóa nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng trái phép.
Theo các chuyên gia, TLNN nên được nhìn nhận và kiểm soát nghiêm ngặt đang áp dụng cho thuốc lá truyền thống, nhằm cân bằng lợi ích các bên, gồm xã hội, người dùng, cộng đồng và ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, việc có một khung pháp lý thích hợp sẽ nâng cao trách nhiệm người hút thuốc đối với sức khỏe cộng đồng và chính bản thân họ như không hút nơi công cộng, gần trường học, bệnh viện…
Ở góc độ năng lực và nội lực, bà Liên nhấn mạnh: “Về mặt tổ chức bộ máy và cơ chế thực thi thì chúng ta không thiếu. Chúng ta có các cơ quan quản lý về thuốc lá, xuất nhập khẩu, thuế, hải quan, quản lý thị trường, lực lượng công an chuyên trách, và có cả Ban chỉ đạo về phòng chống các tội phạm buôn lậu, đó là Ban 389”.
Cũng tại tọa đàm, ông Lê Đại Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng “việc quản lý không có vấn đề gì là khó khăn”, bởi chúng ta có thể quản lý mặt hàng này bằng tem nhãn, tương tự với thuốc lá điếu. Phương pháp này giúp giải quyết bài toán phân biệt giữa sản phẩm hợp pháp và sản phẩm lậu: “Nếu TLNN được thừa nhận thì sẽ được cấp giấy phép với số lượng nhập khẩu, về trong nước thì cũng được kiểm nghiệm và dán tem. Sau khi được dán tem và kiểm nghiệm là hàng chính thống, kiểm soát được chất lượng thì đưa ra lưu hành trên thị trường. Còn cái nào không có tem thì đó là hàng nhập lậu thì các cơ quan thực thi pháp luật sẽ tịch thu, tiêu hủy”.
Ông Hải cũng phân tích, cần nhìn nhận hệ thống pháp luật một cách tổng thể. Luật Đầu tư đã đưa thuốc lá vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, và giao cho Chính phủ quy định điều kiện quản lý. Như vậy, từ Luật Đầu tư, nếu xác định TLNN là sản phẩm thuốc lá, thì Chính phủ có thể sửa Nghị định 67/2013/NĐ-CP để áp dụng điều kiện quản lý thuốc lá truyền thống cho TLNN.
Tính đến hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận TLNN là thuốc lá, kèm theo khuyến nghị các nước thành viên quản lý theo luật nước sở tại. Về độc học, chưa có sở cứ khoa học chứng minh TLNN độc hại hơn thuốc lá điếu.
Từ các dữ liệu trên, các chuyên gia khuyến nghị, thay vì sa vào “vết xe đổ” của nhóm thiểu số các nước đang bị “thất thu, bù chi” do lệnh cấm để lại, Việt Nam cần tận dụng lợi thế của quốc gia đi sau. Theo đó, nên tham khảo, áp dụng cách tiếp cận của các quốc gia đã kiểm soát thành công TLNN. Đây cũng là bước đi nhằm kiện toàn năng lực Việt Nam trên đà hòa nhập vào xu thế quốc tế.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/viet-nam-co-loi-the-cua-nguoi-di-sau-trong-kiem-soat-thuoc-la-moi-192241008111853803.htm