Ông Abdulla Alsuwaidi, Giám đốc Hubs và đối tác toàn cầu của WLP cho biết, hộ chiếu logistics thế giới được thiết kế nhằm tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại.
Chương trình đang lựa chọn các đối tác nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại và hướng tới việc tăng cường xuất, nhập khẩu đa dạng giữa các trung tâm logistics và thương mại (Hub).
WLP có đối tác tại 29 Hub thuộc mạng lưới WLP trên thế giới. Việt Nam được bổ sung vào danh sách các trung tâm logistics và thương mại của khu vực với sự góp mặt của hơn 100 doanh nghiệp logistics Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thuyên, đại diện của WLP tại Việt Nam, tham gia sáng kiến, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí và thời gian thông quan hàng hóa, tiếp cận các thị trường mới, đa dạng các sản phẩm và tăng thị phần cho các sản phẩm xuất khẩu chính.
“Với hệ sinh thái gồm các đối tác trong chuỗi cung ứng (như cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp logistics, ngân hàng, cảng biển…), mục tiêu cụ thể là tạo luồng hàng lớn, hình thành chuỗi cung ứng chủ chốt toàn cầu”, ông Nguyễn Ngọc Thuyên nhấn mạnh .
Ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam hiện là 1 trong 20 nền thương mại hàng đầu thế giới, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt gần 735 tỷ USD. Việt Nam tham gia 16 hiệp định thương mại, xếp thứ 11 trên 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Việt Nam có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó có hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động logistics quốc tế; giúp hình thành các trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa.
UAE hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông. Thông qua UAE, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội tiếp cận với nhiều quốc gia trong khu vực. Sự hợp tác hiệu quả với UAE trong lĩnh vực logistics sẽ góp phần tăng trao đổi thương mại giữa 2 bên, với khu vực Trung Đông và nước khác trên thế giới.
Cũng tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giưa WLP với các đối tác Việt Nam tham gia chương trình.