Theo ấn bản mới nhất của Báo cáo Thịnh vượng do Công ty Knight Frank phát hành, số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2022. Cụ thể, từ 583 cá nhân ở Việt Nam có tài sản ròng trên 30 triệu USD năm 2017, đến cuối 2022 con số này đã lên đến 1.059 người, tăng 82% chỉ sau 5 năm. Knight Frank dự báo đến năm 2027, con số này sẽ gần chạm mốc 1.300 người, tương đương tăng thêm 22% so với hiện tại và tương đương mức tăng 122% trong vòng 10 năm.
Không chỉ có vậy, số người giàu (HNWI) – những cá nhân có tài sản từ 1 triệu USD trở lên – của Việt Nam cũng tăng 70% trong 5 năm qua và dự kiến sẽ tăng vọt 173% chỉ trong 10 năm từ 2017 đến 2027.
Sự thay đổi trong nhóm dân số giàu và siêu giàu tại Việt Nam cũng nằm trong xu hướng thịnh vượng trên toàn châu Á. Theo đó, Singapore, Malaysia và Indonesia dẫn đầu các thị trường có dân số siêu giàu tăng trưởng nhanh nhất, khoảng 7 – 9%. Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, lượng dân số siêu giàu đã tăng ngoạn mục gần 51% trong vòng 5 năm tính đến 2022. Mặc dù có dự đoán rằng mức tăng trưởng này sẽ giảm còn 40% trong vòng 5 năm tới, nhưng đây vẫn là khu vực dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng phồn vinh thịnh vượng.
Bà Christine Li, Giám đốc Dịch vụ nghiên cứu khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Knight Frank chia sẻ: “Theo số liệu từ Báo cáo Thịnh vượng mới nhất của Knight Frank, sau mức tăng kỷ lục 7,5% năm 2021 thì dân số siêu giàu châu Á -Thái Bình Dương lại giảm 5,7% trong năm 2022. Dù vậy, 3 trong số 10 thị trường có dân số siêu giàu tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu là các quốc gia Đông Nam Á gồm Singapore, Indonesia và Malaysia, với mức tăng từ 7 – 9%. Nhìn về lâu dài, khu vực này vẫn còn rất nhiều tiềm năng và triển vọng để phát triển thịnh vượng, dẫn đầu về lượng dân số siêu giàu và cơ hội phát triển kinh tế”.