Chiều qua (7.10), Thủ tướng Phạm Minh Chính và GS Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã giao lưu với sinh viên một số trường ĐH trên địa bàn Hà Nội về chủ đề “Định vị VN trong kỷ nguyên thông minh – Tầm nhìn cho thế hệ trẻ”.
Sau phát biểu của GS Klaus Schwab, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ với các bạn trẻ kỳ vọng mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước muốn gửi gắm tới những chủ nhân của kỷ nguyên thông minh.
CƠ HỘI THỰC SỰ VẪN NẰM Ở NHÂN TỐ CON NGƯỜI
GS Schwab cho rằng, bức tranh tổng quan về các lực lượng đang định hình thế giới hiện nay có nhiều yếu tố biến đổi và phức tạp hơn, mang lại cả thách thức và cơ hội cho tất cả các quốc gia, trong đó có VN. Có thể kể đến là sự chuyển đổi từ một trật tự toàn cầu ổn định sang một thế giới đa cực, thường xuyên xảy ra xung đột; sự chuyển tiếp từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông minh; sự phân cực ngày càng gia tăng trong xã hội. VN có thể nắm bắt những cơ hội phía trước để tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững.
Thông qua các sáng kiến như Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ tư, WEF đang nỗ lực cung cấp các nguồn lực và kết nối cần thiết để những quốc gia như VN phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, đầu tư vào hạ tầng số và chuẩn bị lực lượng lao động thích ứng với những thách thức phía trước. Nhưng ngoài công nghệ, cơ hội thực sự vẫn nằm ở nhân tố con người. Lợi thế thực sự của VN sẽ phụ thuộc vào xây dựng được nền kinh tế tri thức, không chỉ bao gồm các kỹ năng, năng lực chuyên môn mà còn gồm cả môi trường, xã hội và lợi thế địa chính trị – tất cả đều là những yếu tố quan trọng cho một xã hội thịnh vượng và phát triển.
Chủ tịch WEF nhấn mạnh, các bạn trẻ là tương lai của VN và những biến chuyển được đưa ra thảo luận chính là những yếu tố sẽ định hình sự nghiệp, cơ hội và cuộc sống của các bạn. Thời đại thông minh không chỉ là một khái niệm trừu tượng; đó là một thực tế mà những người trẻ tuổi của VN sẽ sống, lao động và học tập trong đó. Ngoài các yếu tố như cơ sở hạ tầng, tài nguyên về con người, một vấn đề cần được các bạn trẻ lưu tâm là chuẩn bị công nghệ lõi trong hành trình vươn tới giấc mơ trở thành doanh nhân, nhà khởi nghiệp. “Tôi được biết VN có kế hoạch đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn trong thời gian tới. Đây sẽ là điều quan trọng giúp VN vững bước vào kỷ nguyên mới với những cơ hội mới”, GS Schwab nói.
ĐỂ TIẾP TỤC VƯƠN LÊN PHẢI CÓ BẢN LĨNH, KHÁT VỌNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí với GS Klaus Schwab về cách tiếp cận bao trùm, toàn diện, phản ánh xu hướng phát triển của thời đại mới khi đề cập “kỷ nguyên thông minh”. Đặc biệt, Thủ tướng rất đồng tình với quan điểm của GS Klaus Schwab khi GS cho rằng kỷ nguyên thông minh phải là kỷ nguyên phát triển vì con người, phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm và quan trọng hơn hết là làm cho mỗi chúng ta thấy hạnh phúc hơn, sáng tạo hơn và năng suất hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, để định vị VN trên bản đồ phát triển của thế giới trong kỷ nguyên thông minh, trước hết chúng ta phải tự tin, phải có bản lĩnh khi bước vào kỷ nguyên thông minh. Bản lĩnh tự tin là có cơ sở, vì chúng ta có hơn 4.000 năm lịch sử hào hùng với đầy khó khăn trắc trở nhưng đã vươn lên đến tầm để thế giới phải ngưỡng mộ. Để tiếp tục vươn lên, chúng ta phải có bản lĩnh, phải có khát vọng.
Thứ hai là chúng ta cần phải hoàn thiện thể chế. Thứ ba là phải có nguồn nhân lực. Thứ tư là phải có hạ tầng để phát triển thông minh. Phát triển thông minh không thể thiếu điện, thiếu sóng (hạ tầng viễn thông), thiếu giao thông…
“Nhưng vấn đề đầu tiên là vấn đề tiền đâu?”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề rồi chỉ ra câu trả lời nằm ở trí tuệ, ở khối óc của chúng ta. Thủ tướng nói: “Không có tiền thì phải xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, như GS Schwab đã nói, huy động nguồn lực từ hợp tác công – tư. Đây là một phương thức huy động nguồn lực mà cả thế giới người ta làm. Vừa qua chúng ta đã ban hành luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư nhưng hiệu quả còn hạn chế do một số lĩnh vực chúng ta chưa phát huy được.
Cái gì cũng hợp tác công – tư được, trong đó hợp tác để tạo ra các hạ tầng thông minh. Phải có chuyển giao công nghệ cho sự phát triển thông minh của chúng ta. Chúng ta phải có quản trị thông minh: cái gì làm trước, cái gì làm sau, nguồn lực chỉ có thể thôi, nhưng làm sao kết hợp để tạo ra xung lực, tạo ra động lực mới. Chúng ta có lực lượng trẻ thế này nhưng phát huy thế nào!”.
TIN TƯỞNG VÀO NHỮNG NGƯỜI TRẺ CÓ HOÀI BÃO, CÓ ƯỚC MƠ
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cơ sở để cho chúng ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới là thành quả của chặng đường 40 năm đổi mới. Từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu, vừa thoát khỏi chiến tranh, đến nay chúng ta là nền kinh tế có quy mô thứ 34 trên thế giới, phấn đấu năm nay rút ngắn khoảng cách, phấn đấu đứng thứ 32 – 33 nếu như tăng trưởng đạt 7%. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 28 lần, trước đổi mới (1986) chúng ta mới có 150 USD, năm ngoái là 4.300 USD.
“Từ chỗ bị bao vây cô lập, chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ kinh tế với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 nước, đang đàm phán để ký tiếp 3 FTA nữa. Nền tảng hội nhập chúng ta có, làm sao không tự tin được!”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Nhắn nhủ với các bạn sinh viên, Thủ tướng bày tỏ niềm tin tưởng về một thế hệ có hoài bão, có ước mơ, luôn luôn tin tưởng vượt qua chính giới hạn của bản thân, dám đương đầu với thử thách.
“Sự đổi mới của đất nước bắt nguồn từ mùa xuân của tuổi trẻ. Khó khăn lúc nào cũng có, nhưng chúng ta phải tự tin, phải có ước mơ để vươn lên bằng sức mạnh nội sinh của chúng ta. Tôi rất mong các bạn trẻ, những chủ nhân của kỷ nguyên thông minh, sẽ là những người tiên phong trong đổi mới sáng tạo, tiên phong làm mới các động lực tăng trưởng, tiên phong vào các lĩnh vực mới nổi, tiên phong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Chính các bạn sẽ là động lực cho sự vươn mình của dân tộc”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.
ĐH Quốc gia Hà Nội: Các ngành kỹ thuật, công nghệ, y dược… chiếm 35%
Mở đầu cuộc giao lưu của Thủ tướng Phạm Minh Chính và GS Klaus Schwab với sinh viên, GS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, báo cáo về tình hình chuyển đổi các ngành nghề đào tạo theo hướng đẩy mạnh các ngành kỹ thuật công nghệ của ĐH Quốc gia Hà Nội. Theo đó, hiện nay ĐH Quốc gia Hà Nội đã có tỷ trọng các ngành kỹ thuật, công nghệ, y dược… chiếm tới 35%. ĐH này cũng đã hợp tác triển khai đào tạo bậc cử nhân và sau ĐH với các ngành trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, vật liệu tiên tiến, công nghệ sinh học, fintech, innovation… Đồng thời, ĐH Quốc gia Hà Nội đã ký kết hợp tác với các đại học hàng đầu thế giới để phát triển các ngành nghề mới.
Hiện ĐH Quốc gia Hà Nội đang tích cực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, xây dựng khu đô thị ĐH tại Hòa Lạc, với mục tiêu biến nơi đây thành một khu vực đào tạo và nghiên cứu hiện đại, tiên tiến, mang tầm quốc tế, là trung tâm hợp tác với doanh nghiệp, trung tâm chuyển giao công nghệ.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/viet-nam-co-du-tu-tin-de-dinh-vi-minh-trong-ky-nguyen-thong-minh-185241007232541543.htm