Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách tỷ phú USD thế giới năm 2024. Việt Nam vẫn có 6 gương mặt quen thuộc gồm ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, CEO VinFast), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Chủ tịch VietJet), ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát), ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank), ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan Group), ông Trần Bá Dương (Thaco).
Tổng cộng 6 tỷ phú USD Việt Nam có khối tài sản theo bảng xếp hạng 2024 của Forbes đạt 13,9 tỷ USD, tăng so với mức 12,6 tỷ USD cùng thời gian này năm ngoái.
Trong đó, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng có 4,4 tỷ USD, tăng nhẹ 100 triệu USD so với năm trước.
Ông Trần Đình Long ghi nhận tài sản tăng mạnh nhất, có thêm 800 triệu USD, lên tương ứng 2,6 tỷ USD. Đứng thứ 2 về tốc độ tăng tài sản, bà Nguyễn Thị Phương Thảo có thêm 600 triệu USD, lên 2,8 tỷ USD.
Ông Hồ Hùng Anh có tài sản tăng thêm 200 triệu USD, lên 1,7 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) chứng kiến tài sản giảm nhiều nhất, bốc hơi 300 triệu USD, xuống còn 1,2 tỷ USD, do doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn này giảm mạnh, việc bán xe ô tô gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Đăng Quang có tài sản giảm 100 triệu USD, xuống còn 1,2 tỷ USD.
Kinh tế còn nhiều khó khăn, số lượng người giàu gia tăng
Năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp Việt còn đối mặt với nhiều khó khăn khi sức cầu tiêu dùng giảm sút. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản vẫn trầy trật với gánh nặng nợ nần và khó bán hàng, đặc biệt các loại sản phẩm không thiết yếu như shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng. Các doanh nhân ngành bán lẻ, sản xuất kinh doanh ô tô… cũng gặp khó.
Năm ngoái, CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) của ông Trần Bá Dương ghi nhận doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn này giảm mạnh, việc bán xe ô tô gặp khó khăn.
Theo báo cáo vừa công bố, năm 2023, doanh nghiệp này báo lợi nhuận sau thuế đạt 2.734 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 7.420 tỷ đồng của năm liền trước.
Ông Bùi Thành Nhơn ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp không còn nằm trong danh sách tỷ phú USD của Forbes, do Novaland (NVL) vẫn còn khó khăn, nợ nần. CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va – Novaland ghi nhận lợi nhuận hợp nhất sau thuế trong báo cáo kiểm toán năm 2023 đạt gần 486 tỷ đồng, giảm 199 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Lợi nhuận sau thuế giảm 78% so với năm 2022.
Rất nhiều doanh nghiệp bất động sản và bán lẻ khác gặp khó.
Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá có triển vọng sáng hơn so với đa số các nước khác trên thế giới. Số lượng người siêu giàu được dự báo gia tăng mạnh hàng đầu thế giới.
Theo báo cáo Thịnh vượng của Knight Frank (Anh), số người siêu giàu ở Việt Nam trong năm 2023 tăng 2,4% so với năm trước đó lên 752 người. Tốc độ gia tăng này khá cao trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Người siêu giàu là những cá nhân phải sở hữu khối tài sản từ 30 triệu USD trở lên (khoảng 750 tỷ đồng tính theo tỷ giá 25.000 đồng/USD của Vietcombank). Theo Knight Frank, tới năm 2028, Việt Nam sẽ có 978 người siêu giàu.
Tốc độ tăng trưởng người siêu giàu tại Việt Nam được ghi nhận khá cao trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá tốt so với thế giới và tầng lớp trung lưu tăng mạnh.
Danh sách người siêu giàu Việt không được Knight Frank công bố. Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, có khoảng 180 doanh nhân và người liên quan có tài sản quy từ cổ phiếu có giá trị trên 30 triệu USD, trong đó có 6 tỷ phú USD nói trên.
Bên cạnh đó, trên sàn chứng khoán, có nhiều doanh nhân, cổ đông lớn của các doanh nghiệp lớn có tài sản khủng như: ông Đỗ Anh Tuấn- Sunshine có tài sản quy ra từ cổ phiếu trị giá 23.600 tỷ đồng; ông Hồ Xuân Năng – Vicostone (8.700 tỷ đồng); ông Trương Gia Bình – FPT (9.090 tỷ đồng); ông Ngô Chí Dũng – VPBank (6.200 tỷ đồng); bà Trương Thị Lệ Khanh – Thủy sản Vĩnh Hoàn (7.400 tỷ đồng); ông Đặng Thành Tâm – KBC (5.150 tỷ đồng); ông Nguyễn Văn Đạt – Bất động sản Phát Đạt (8.260 tỷ đồng); ông Đào Hữu Huyền – Hóa chất Đức Giang (9.070 tỷ đồng); ông Nguyễn Đức Tài – Thế Giới Di Động (4.200 tỷ đồng)…
Tại Việt Nam có rất nhiều doanh nhân nổi tiếng và được xem là siêu giàu, thậm chí là tỷ phú USD nhưng không nằm trong bảng xếp hạng nào như “bà trùm” bất động sản Nguyễn Thị Nga – BRG, ông Vũ Văn Tiền – Geleximco, “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển, ông “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn…
Giới đầu tư cũng thấy những gương mặt nổi bật như ông Đỗ Minh Phú – Doji, ông Đỗ Quang Hiển – T&T, gia đình ông Đặng Văn Thành – Thành Thành Công, “vua tôm” Lê Văn Quang…
Cũng theo danh sách của Forbes, năm 2024, thế giới có thêm 141 tỷ phú USD so với năm liền trước, nâng tổng số lên 2.781 người. Tổng tài sản của các tỷ phú này đạt 14.200 tỷ USD. Sở dĩ số lượng tỷ phú USD và tổng tài sản tăng lên mức kỷ lục là nhờ thị trường chứng khoán toàn cầu tăng mạnh. Dòng tiền vẫn tìm đến kênh đầu tư này cho dù các nền kinh tế gặp khó. Chủ tịch kiêm CEO LVMH – Bernard Arnault giàu nhất thế giới với 233 tỷ USD. Xếp sau là CEO Tesla Elon Musk với 195 tỷ USD. Nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos (194 tỷ USD). |