Sáng 19/4, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2024.
Theo Bộ KH&CN, hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 13 năm qua, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra.
Việt Nam hiện xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế và là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam cũng ngày càng phát triển, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới, kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.
Bộ KH&CN ước tính, năm 2023, Việt Nam có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup). Trong đó, 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Việt Nam hiện đứng thứ 3 khu vực về số các thương vụ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sau Indonesia và Singapore.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam còn nhiều dư địa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lực lượng chiếm 98% tổng số doanh nghiệp.
Bà Pauline Tamesis – điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho biết đổi mới sáng tạo không chỉ giới hạn ở lĩnh vực công nghệ cao với các nhà khoa học mà còn mang tính bao trùm, bằng cách tạo điều kiện cho các nhà đổi mới sáng tạo ở cấp cơ sở, đặc biệt là thanh niên và nhóm dân tộc thiểu số.
“Hành trình để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 phụ thuộc nhiều vào việc giải phóng, tạo điều kiện để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là công cụ cốt lõi để đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực”, đại diện Liên Hợp Quốc nhận định.
Những năm qua, hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vai trò và đóng góp của đổi mới sáng tạo vẫn chưa tương xứng với mức độ phát triển quốc gia cũng như xu hướng chung của thế giới.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam cần tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa, nhằm góp phần trực tiếp vào tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo vệ môi trường và phát triển.
Bộ KH&CN sẽ nâng cao nhận thức, tuyên truyền, phổ biến để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Đồng thời, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước, khu vực sản xuất kinh doanh, đầu tư, khu vực nghiên cứu giáo dục và cả xã hội.
Nhân Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2024, Bộ KH&CN đã phát động nhiều hoạt động hưởng ứng gồm: Ngày hội khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2024 (Techfest 2024); triển khai bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo PII.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), Techfest 2024 dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế quy mô lớn. Đây là hội nghị thượng đỉnh về khởi nghiệp công nghệ cao với sự tham dự của các kỳ lân và tiền kỳ lân công nghệ của khu vực châu Á.